Hoạt động điểm nhấn của chương trình tháng 10 sẽ là tái hiện Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn. Họ thực sự là những anh hùng mãi mãi được lưu truyền trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa - Trường Sa cùng thuỷ quân Hoàng Sa - Trường Sa, khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ban Tổ chức cũng sẽ trưng bày, triển lãm các hình ảnh về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, vẻ đẹp cảnh quan và con người Quảng Ngãi; quảng bá các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với miền đất Quảng Ngãi tươi đẹp.
Đặc biệt, còn có hoạt động giao lưu, trải nghiệm tinh hoa ẩm thực truyền thống Lý Sơn và các sản vật địa phương tỉnh Quảng Ngãi. Ẩm thực Lý Sơn phản ánh rõ nét mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với môi trường tự nhiên. Trong hành trình tìm kiếm hải vật, sản vật, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền tại huyện đảo Hoàng Sa chinh phục thiên nhiên… ẩm thực của người dân đất đảo đã thể hiện rõ thái độ ứng xử của con người với tự nhiên để đảm bảo duy trì cuộc sống trong mọi hoàn cảnh. Con người đã biết tận dụng những nguồn sản vật từ thiên nhiên, biển cả ban tặng cho các ngày lễ tế đình, lễ cúng các bậc tiền nhân gửi lời cầu mong cho dân làng có cuộc sống an hòa trong đó có một số các món ăn đặc trưng gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và ẩm thực đặc trưng Lý Sơn như bánh, hải sản chế biến, rong biển…
Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam” sẽ được giới thiệu tới du khách. Nội dung các câu hát trong nghệ thuật bài chòi không chỉ mang đậm tính nhân văn mà còn đậm tính giáo dục, hướng con người đến những giá trị chuẩn mực về đạo đức, về nhân cách.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Vào các dịp cuối tuần, sẽ có Chương trình dân ca dân vũ “Hoa tháng Mười” của đồng bào đang hoạt động hằng ngày kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động hàng ngày tại Làng và tại không gian chùa Khmer sẽ tổ chức các hoạt động Phật sự như Lễ Sene Dolta, Lễ dâng y Kathina của đồng bào Khmer.
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Theo TTXVN