Đền Lảnh Giang là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, tâm linh, được nhân dân cả nước biết đến từ lâu. Đền Lảnh Giang thờ ba vị tướng thời Hùng Vương, trong đó thờ chính là vị thần Trấn An Tây Nam Tam Kỳ Linh ứng Đại vương (Quan lớn Đệ Tam). Nơi đây còn thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, Tam tòa Thánh mẫu, Tứ phủ công đồng. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1996, đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Từ bao đời nay lễ hội đền Lảnh Giang được nhân dân địa phương tổ chức quy mô vào hai kỳ trong năm: kỳ thứ nhất từ ngày 18 đến 25 tháng 6 (âm lịch), kỳ thứ hai từ ngày 18 đến 25 tháng 8 (âm lịch). Lễ hội đền Lảnh Giang phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, gửi gắm ước vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Đến thăm đền Lảnh Giang, du khách được tìm hiểu những giá trị lịch sử qua những hình ảnh trưng bày trong khuôn viên đền. Lễ hội vẫn được gìn giữ với những giá trị mang dấu ấn văn hóa của cư dân trồng lúa nước bằng nhiều nghi lễ như lễ rước nước, lễ rước kiệu, lễ tế, hội bơi chải... Cùng với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị thủy thần được thờ tại đền Lảnh Giang đã được hội nhập vào hệ thống thần điện của tín ngưỡng này, đó là Quan lớn Đệ Tam. Chính điều này đã làm nên nét đặc sắc riêng có của lễ hội đền Lảnh Giang.
Đến với đền Lảnh Giang, du khách còn được chiêm ngưỡng nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc đó là hát văn, hầu đồng. Nơi đây cũng là nơi tạo điều kiện để loại hình văn hóa này tồn tại và phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị những di sản truyền thống của dân tộc. Xưa nay, diễn xướng hầu đồng vẫn luôn được coi tín ngưỡng của dân gian, chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Trò chuyện cùng đồng thầy Lê Thị Thanh Hiền trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn ngay ở không gian thiêng của đền Lảnh Giang để có thể hiểu hơn nữa những nét đẹp huyền bí trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2016. Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp hầu đồng với hoạt động an sinh xã hội, tham gia diễn xướng hát văn, hát chầu văn ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước, đồng thầy Lê Thị Thanh Hiền cho rằng thông qua các chương trình quy mô như thế này sẽ làm lan tỏa giá trị đích thực của nghi lễ chầu văn, giúp người dân nhìn nhận rõ nét hơn vẻ đẹp của đạo Mẫu. Cùng với đó, chương trình cũng mang đến sự gắn kết giữa các thanh đồng với nhau, giao lưu học hỏi để làm phong phú hơn kinh nghiệm và sự hiểu biết về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo đồng thầy Lê Thị Thanh Hiền “Diễn xướng hầu đồng còn bao gồm cả nghệ thuật và sáng tạo cũng như gắn kết các thế hệ lại với nhau” vì thông qua những giá hầu bà đã giảng giải, truyền đạt kiến thức và kỹ năng các bước múa và biểu diễn của người thực hành sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ mai sau hiểu và tôn trọng văn hóa tâm linh của tổ tiên cũng như sự phong phú của nghệ thuật diễn xướng hầu đồng.
Qua cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng chúng tôi đã được nghe chia sẻ những câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa văn hóa tâm linh mà bà đã gắn bó và thực hành nhiều năm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Xuân Huy - Hà Trang