Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung: "Thế hệ trẻ cần phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nét đẹp thờ Mẫu"

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung (SN 1989) sinh ra và lớn lên tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hiện nay Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung là Thủ nhang bản điện Thiên Tâm Điện. Bên cạnh đó, anh đang đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, kiêm Phó Thư ký Câu lạc bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hoá Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.

z5924069442650-e5927d571d9d8bd4be9cb25e62c159b0-1728749413.jpg
Nghệ nhân, đồng thầy Nguyễn Văn Chung trong một giá hầu. Ảnh: NVCC

Căn duyên với đạo Mẫu

Với nhiều người trong giới thanh đồng, đạo quan, thời gian đầu khi hoạt động tín ngưỡng thường gặp phải sự phản đối từ gia đình. Thế nhưng Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung lại nằm trong số những người may mắn, căn duyên với đạo Mẫu, bởi mọi thành viên trong gia đình anh đều rất tín tâm, tin vào Mẫu và ủng hộ anh trên con đường tâm linh.

Không chỉ vậy, Đạo Mẫu có ảnh hướng rất lớn đến gia đình anh, đã giúp cho mọi người trau dồi đạo đức, nhân phẩm để trở thành một công dân tốt nên anh vô cùng biết ơn vì điều đó. Cũng từ đây, anh luôn ghi nhớ và khắc sâu lời dạy của Mẫu rằng, ở đời thứ tồn tại lâu bền nhất, tốt nhất và được công nhận đó là “Tâm - Đức - Đạo - Hiếu - Tín”.

Trải nghiệm khó quên trên con đường tín ngưỡng

Khi được hỏi về những trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung không ngần ngại chia sẻ: “Mỗi lúc được bước lên sập hầu Thánh, tôi cảm thấy mình như đang được hóa thân vào các vị Chúa, Chầu, Quan, các Cô, Cậu… Những lần như vậy, tôi vô cùng thoải mái, dường như bản thân được nhà Thánh khai mở tâm trí, bảo vệ mình”.

z5913467490455-eb43eb591b348414745372a39d43a912-1728749559.jpg

Đồng thầy Nguyễn Văn Chung cho biết, hàng năm cứ đến dịp tháng tiệc của tiên thánh, anh may mắn được hầu, số lần tùy thuộc vào thời gian, điều kiện và địa điểm khác nhau. Về vấn đề chi phí cho mỗi lần hầu xướng, anh Chung cũng rất trăn trở: “Trong xã hội hiện đại, bản thân tôi nhận thấy nhiều cá nhân vẫn không giữ được nét hầu đồng chuẩn mực của các bậc tiền bối, đã có một vài biểu hiện biến tướng rất rõ ràng, trong đó việc đặt nặng vấn đề kinh tế trong một vấn hầu vẫn xảy ra, trong khi các con nhang đệ tử còn nhiều khó khăn. Theo tôi, chi phí nên đơn giản hóa, chủ yếu ở lòng thành của mình”.

Không chỉ vậy, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung không đồng tình với việc, có một số cá nhân trong giới thanh đồng, đạo quan mặc dù chưa hiểu đúng, đủ về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu mà đã vội vàng rao giảng khắp nơi, khiến cho bản chất của đạo Mẫu trở nên lệch lạc trong suy nghĩ của nhiều người. 

Ngoài ra, anh Chung cũng cho rằng, không nên sáng tác các lời văn hay điệu múa mới bởi vì việc sáng tác các điệu hát, điệu múa sai với lời văn, lối hầu cổ tức là chúng ta đang dần đánh mất đi nét đẹp văn hóa, lịch sử vốn có của dân tộc. 

Trách nhiệm bảo tồn và phát huy nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu

Là một Nghệ nhân trẻ, anh Nguyễn Văn Chung đã tự nhận thức được, thế hệ ngày nay may mắn được thừa hưởng quả ngọt - những cống hiến của các vị quan thần ngày xưa, vì vậy cần phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc. Bằng vốn am hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu của bản thân, anh muốn lan tỏa rộng rãi những giá trị tốt đẹp đến với đông đảo mọi người, để mọi thế hệ được tiếp cận và hiểu đúng về ý nghĩa của việc thờ Mẫu, không làm phai mờ đi nét đẹp tâm linh.

Với vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung luôn tích cực đóng góp ý kiến, xây dựng Câu lạc bộ ngày càng phát triển vững mạnh. 

z5913467435233-810e9d50573282271a58fec1a2d65aea-1728750090.jpg

Tính đến nay, sau gần 10 năm phụng sự nhà Thánh, đồng thầy Nguyễn Văn Chung luôn phát huy làm tròn trách nhiệm của mình trong mọi hoạt động tốt đời đẹp đạo. Anh không ngừng cố gắng học hỏi, trau dồi và tiếp thu những giá trị văn hóa trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua các chương trình giao lưu diễn xướng tại địa phương, cũng như một số tỉnh thành cả nước. Anh xem việc thực hành tín ngưỡng là nơi để giao lưu và chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời là mái nhà chung của cộng đồng đạo Mẫu. 

Để phát huy được tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung tâm niệm, trước hết bản thân anh là một đồng thầy, phải hiểu đúng và hiểu sâu được ý nghĩa và tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó mới có thể lan tỏa, chia sẻ cho cộng đồng. Bên cạnh đó, anh nghĩ rằng, cần thông qua các cơ quan đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các Câu lạc bộ, nhà đền, Trung tâm nghiên cứu, Trung tâm bảo tồn lịch sử…. để làm cơ sở, nền tảng truyền thông cho mọi người tìm hiểu, học tập và phát huy nét đẹp thờ Mẫu. Ngoài ra, cần tích cực duy trì việc thực hành tín ngưỡng rộng rãi hơn tại các đình, đền, điện để nhân rộng và bảo tồn nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc.

aeb69-1727438364-1728753570.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung nhận Quyết định bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, kiêm nhiệm làm Phó Ban Thư ký Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hoá Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển

Theo đồng thầy Nguyễn Văn Chung, việc thực hành tín ngưỡng nên đưa lên sân khấu để đồng bào trong và ngoài nước có thể tiếp cận dễ dàng hơn, đồng thời hiểu hơn về công lao của các vị quan, các vị chúa, chầu, cô, cậu trong hội đồng Tứ phủ. Qua đó cũng nhằm truyền bá những giá trị tốt đẹp của cha ông ta tới bạn bè năm châu, giúp cho họ biết thêm về những nét đẹp văn hóa lịch sử, di sản của đất nước.

z5924079377938-440efffb37c6974155dee30c4a02edd1-1728749720.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung được trao tặng Giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh năm 2018. Ảnh: NVCC

Ghi nhận những đóng góp trong việc tham gia bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (được Tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2016), Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ban ngành, các Viện nghiên cứu, Trung tâm, Câu lạc bộ… Đó là phần thưởng xứng đáng, là động lực giúp anh luôn cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để gìn giữ nét đẹp của cha ông.

Ngoài việc phụng sự tâm linh, truyền trao định hướng kiến thức cho cộng đồng, Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung còn có những đóng góp tích cực trong các hoạt động từ thiện, ủng hộ cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để phục vụ mục đích an sinh xã hội, thể hiện sự tương thân tương ái nhằm mục đích hoằng dương Thánh Đạo.

Người con của mảnh đất xứ Nghệ ân tình đã và đang nỗ lực kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc. Hi vọng rằng những Nghệ nhân như anh Nguyễn Văn Chung sẽ mãi giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Nguyễn Yến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-nguyen-van-chung-the-he-tre-can-phai-co-trach-nhiem-bao-ton-va-phat-huy-net-dep-tho-mau-a29261.html