Vĩnh Long nâng cao vai trò quản lý, định hướng bảo tồn và phát triển di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử trong cộng đồng

Theo thống kê của Sở VHTTDL Vĩnh Long năm 2024 toàn tỉnh có 448 câu lạc bộ Đờn ca tài tử 2 đang hoạt động (tăng gần 2,3 lần so với đợt kiểm kê năm 2013, 197 CLB), có số lượng gần 5.900 thành viên, với tần suất sinh hoạt bình quân mỗi tháng 01 lần.

dcttbaovinhlong-1728748414.jpg
Các nghệ nhân cao tuổi truyền nghệ thuật ĐCTT cho thế hệ sau. Ảnh: Hòa Bình, báo Vĩnh Long

Vĩnh Long nằm trong số 21 tỉnh, thành ở Nam Bộ được vinh dự là "Chủ thể" của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật Đờn ca tài tử. Từ trước khi được công nhận, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Vĩnh Long đã có giai đoạn phát triển rực rỡ, tuy nhiên, giai đoạn này Nghệ thuật Đờn ca tài tử chỉ phát triển một cách tự nhiên, thiếu tính định hướng. Từ năm 2013, khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn và phát triển như về chính sách, chủ trương, sự quan tâm của các cấp chính quyền và nguồn lực đầu tư của xã hội.

Theo thống kê của Sở VHTTDL Vĩnh Long năm 2024 toàn tỉnh có 448 câu lạc bộ Đờn ca tài tử 2 đang hoạt động (tăng gần 2,3 lần so với đợt kiểm kê năm 2013, 197 CLB), có số lượng gần 5.900 thành viên, với tần suất sinh hoạt bình quân mỗi tháng 01 lần. Điều này cho thấy số người tham gia thực hành nghệ thuật Đờn ca tài tử tiếp tục được duy trì và phát triển về số lượng.

Tại các huyện, thị xã, thành phố các câu lạc bộ Đờn ca tài tử tổ chức sinh hoạt định kỳ và đột xuất với bình quân hàng năm gần 10.000 cuộc. Mỗi câu lạc bộ tổ chức giao lưu bình quân hàng năm từ 02 đến 05 cuộc. - Các câu lạc bộ do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Bảo tàng tỉnh và câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh hoạt động thường xuyên hàng tháng, định kỳ và trong các dịp lễ, sự kiện, tết nguyên đán….bình quân hàng năm gần 100 cuộc.

Nhìn chung các câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt định kỳ. Địa điểm sinh hoạt CLB thường tại các thiết chế văn hóa hoặc tại nhà các thành viên câu lạc bộ. Các câu lạc bộ nhiệt tình tham gia các chương trình biểu diễn, liên hoan Đờn ca tài tử các cấp; giao lưu với các câu lạc bộ các địa phương trong và ngoài tỉnh bình quân hàng năm từ 20 đến 25 cuộc. Thông qua những hoạt động này góp phần tạo cơ hội cho các thành viên thực hành, học tập, trao đổi kinh nghiệm và nâng cao trình độ nghệ thuật.

Với những thuận lợi đó, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng công tác quản lý trong việc bảo tồn và phát triển vững mạnh loại hình nghệ thuật này. Thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhận thức của người dân về tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này được nâng cao. Chính vì vậy mà môi trường thực hành của nghệ thuật Đờn ca tài tử ngày càng được mở rộng, trở thành loại hình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, có mặt trong các cuộc giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới khi đến làm việc với tỉnh Vĩnh Long cũng như phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước , góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay tỉnh có 08 khu điểm du lịch, 10 nhà hàng, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và các huyện lân cận. Tại các điểm này thường tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử theo yêu cầu của khách du lịch hoặc có trong chương trình tham quan của du khách.

Song song đó, chất lượng của phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh ngày càng được nâng lên đáng kể, cụ thể qua các Hội thi, liên hoan trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong khu vực và cả nước, tỉnh đạt nhiều thứ hạng cao so với nhiều địa phương khác. Thông qua nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để giới nghệ nhân tài tử có dịp trao dồi tài năng, nâng cao trình độ nghệ thuật và hun đúc trao truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế thừa.

Sau khi được vinh danh đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì người nắm giữ và thực hành di sản được tạo điều kiện thuận lợi hơn để phát huy tài năng, thỏa niềm đam mê và phát huy vai trò trong nắm giữ và trao truyền cho thế hệ tiếp nối. Chủ thể nắm giữ di sản luôn duy trì, tổ chức các hoạt động, giao lưu các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và tạo sân chơi lành mạnh, đổi mới phương pháp sinh hoạt để thu hút những nghệ nhân cũng như “tài tử” đờn, “tài tử” ca cùng những người yêu thích môn nghệ thuật này với số lượng ngày càng nhiều và thu hút, tạo nên môi trường sân chơi lành mạnh trong nhân dân.

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo ngành văn hóa xây dựng Đề án để bảo tồn và phát huy giá trị di sản khi được vinh danh. Đến nay, ngành văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử giai đoạn 1 từ năm 2015 - 2020 và giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản lý, định hướng bảo tồn và phát triển vững mạnh loại hình Nghệ thuật đờn ca tài tử ở địa phương. Hàng năm, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch đều có Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các ban, ngành đoàn thể ở địa phương trong công tác lãnh chỉ đạo, phối hợp thực hiện, cùng với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân, tài tử, lực lượng nồng cốt nên phong trào Đờn ca tài tử của tỉnh những năm qua đạt hiệu quả cao.

Di Sản Xanh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-long-nang-cao-vai-tro-quan-ly-dinh-huong-bao-ton-va-phat-trien-di-san-nghe-thuat-don-ca-tai-tu-trong-cong-dong-a29258.html