Đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Lê Thanh Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang; đồng chí Tống Phước Trường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng đại diện các ban ngành cấp tỉnh, thành phố, huyện và nhân dân về tham dự.
Ông Nguyễn Minh Trang, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng đọc bài tưởng niệm ôn lại quá trình hoạt động của AHLLVTND Mai Thị Nương. Liệt sỹ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Mai Thị Nương (bí danh Hồng Hạnh) hy sinh anh dũng, nhưng bọn giặc hèn hạ đã thủ tiêu mất xác chị. Nhân dân trong huyện và các vùng lân cận vô cùng căm phẫn; rất xúc động, thương tiếc và kính phục người con gái trung hậu, tiết liệt của quê hương, một đảng viên kiên trung, bất khuất của đảng bộ Giồng Riềng.
Ngay sau đó, toàn Đảng bộ đã mở đợt sinh hoạt, học tập gương hy sinh anh dũng của Hồng Hạnh, làm dấy lên khí thế cách mạng mới, quyết tâm thi đua giết giặc lập công, giải phóng quê hương và trả thù cho Hồng Hạnh. Ngày 27-10-1963, Tiểu đoàn U Minh 10 (tiền thân của Tiểu đoàn 207 của tỉnh hiện nay) có sự phối hợp của lực lượng Địa phương quân các huyện Giồng Riềng và Gò Quao đã tổ chức đánh đồn Cái Đuốc Lớn (xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng) rồi bố trí đón đánh Đại đội Bảo an của Chi khu Kiên Bình do Võ Văn Sang chỉ huy kéo vào chi viện; xóa sổ đại đội này và buộc tên Sang phải đền tội.
Tiếp nối tinh thần yêu nước, bất khuất của nữ Anh hùng Mai Thị Nương (Hồng Hạnh), Đảng bộ, quân và dân Giồng Riềng tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên cường kháng chiến, từng bước giành thắng lợi, tiến tới giải phóng quê nhà. Để ghi nhận thành tích đó, ngày 20 tháng 12 năm 1994 Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện Giồng Riềng và cá nhân Liệt sĩ Mai Thị Nương - tức Mai Hồng Hạnh.
Từ những cố gắng đó, kinh tế huyện nhà đang tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được đảm bảo. Phấn đấu đến năm 2025 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại giữ vững Nông thôn mới. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; chăm lo tốt hơn các gia đình chính sách và gia đình có công với cách mạng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người phấn đấu cuối nhiệm kỳ đạt 88 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,84%; lao động qua đào tạo trên 65%; bảo hiểm y tế toàn dân 95%. Hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng lên chất lượng hoạt động. Lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự điều hành của chính quyền được nâng lên.
Thế Hạnh