Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh: "Để trở thành một thanh đồng tốt, xứng danh là người con của Mẫu thì bản thân phải có ý thức và sự kỷ luật"

Nghệ nhân - Đồng thầy Nguyễn Thị Trinh (sinh ngày 20 tháng 4 năm 1969) hiện nay là Uỷ viên Ban Chủ nhiệm kiêm trợ lý Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản văn hoá Quốc gia, Viện Nghiên cứu Văn hoá và Phát triển.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hiền hòa bên dòng sông Lam và ngọn núi Hồng, xuất thân là một gia đình có truyền thống cách mạng. Được biết, bà lập gia đình ở tuổi 22, chồng là bộ đội, với hai người con một trai, một gái.

z5879975207133-4e4d1e290e06ac2e661a266652b05bc1-1727620281.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh trong một giá hầu. Ảnh: NVCC

Quá trình trở thành một thanh đồng 

Theo Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh, bà có căn đồng khi tuổi đời còn khá trẻ. Ở độ tuổi khoảng 24 - 25, bà đã cảm nhận được chốn linh thiêng nơi Tam bảo, được Mẫu soi đường để nhận thấy ánh hào quang. 

Cách đây rất nhiều năm về trước, cuộc sống đang hạnh phúc, bình yên thì bỗng dưng bao nhiêu biến cố xảy đến với gia đình Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh khi quê hương vừa mới tôn tạo lại ngôi chùa Phong Phạn - di tích lịch sử văn hoá. Lúc bấy giờ, hai vợ chồng Nghệ nhân đã phát tâm tích cực tham gia đóng góp công đức, lao động để tôn tạo lại chùa với cùng các đoàn thể. Khi chùa mới hình thành, chỉ vỏn vẹn ba gian nhà tranh để thờ Mẫu. 

Bà vẫn còn nhớ như in, vào một buổi trưa, khi mọi người lao động tại chùa đã về hết, một mình bà ở lại trông nom chùa, lúc đang ngủ trưa, ngồi tựa lưng vào cột ở nhà Thánh mẫu thì bỗng nhiên nhìn thấy một vùng rực sáng phía chân trời, từ từ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen, hai bên là hai hàng lính rẽ nước bay đến trước cổng chùa. Ngày thứ hai bà lại thấy ở phía Bắc lại xuất hiện ánh hào quang, Phật Di Lặc hạ thế xuống ngọn núi Cơm và cười vang to. Tới ngày thứ ba, bà lại ngủ mơ thấy Phật tổ hạ thế trong chùa và đưa cho bà một chiếc áo Cà Sa lấp lánh, bảo bà mặc vào để cứu độ trần gian. Lúc đó, bà quỳ xuống lạy Phật và trình bày rằng vì hoàn cảnh gia đình nên không thể làm được thì ngay lập tức bị gõ búa vào đầu.

z5879975227108-c358b5f9ec98b780a1a3850e64c09f4c-1727620572.jpg

Liên tiếp những ngày sau đó, cứ 21h đêm đến 1h sáng, bà lại nằm ngủ mơ thấy một vị quan dẫn lối cho bà lội qua con suối, đi qua đồng lúa đến ngọn núi Cơm, tỉnh dậy thì thấy mình ngồi trong cung Tam tòa thánh Mẫu từ lúc nào. Lúc đó, cô Nguyệt là thầy trụ trì của chùa, được Mẫu linh ứng vào phán truyền cho Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh phải ra trình đồng mở phủ vì căn cao số nặng. Và từ đây, Mẫu đã cho bà luyện đồng. 

Thời điểm này, chùa đang xây dựng chưa xong nên không thể trình trầu mở phủ nên Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh đã đi cùng thầy cúng đạo hữu sang đền Mỏ Hạc Linh Từ để trình trầu. Lúc làm lễ, bà đội mâm lễ to và nặng trên đầu và bỗng thấy hào quang rực sáng trên mâm trầu, quay tít trên đầu khiến cả bản đền ngạc nhiên. Cơ duyên cho bà được gặp người thầy của mình là Nghệ nhân Lê Thị Sử - Thủ nhang điện Thiên An, được thầy xin Mẫu, xin Thánh cho mở phủ tại điện của thầy vào năm 1996. 

Về tầm quan trọng của thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại

Đối với riêng bản thân Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh, đạo Mẫu có vai trò rất đặc biệt. Kể từ khi bén duyên với Mẫu, bà nhận thấy rằng những khó khăn trong cuộc sống cũng như bệnh tật bấy lâu nay được thuyên giảm và khắc phục đáng kể. 

Suốt những năm tháng đầu tiên, bà thường theo người thầy của mình đi khắp nơi để hầu thánh. Trải qua một thời gian dài hoạt động tín ngưỡng, bà được biết đến Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Quốc gia. Nhờ có Trung tâm tổ chức các buổi liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà một đồng nghèo như Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh vẫn có nhiều cơ hội để được lên sập hầu thánh ở đền cao phủ lớn, nên bà rất biết ơn vì điều đó. Không chỉ vậy, bà nhận thức được đây là một sân chơi lành mạnh cho tất cả thanh đồng, kể cả những đồng nghèo lính khó cũng có thể học hỏi được rất nhiều kiến thức cơ bản và nâng cao đầy bổ ích về Đạo Mẫu, những lời hay ý đẹp từ những bậc tiền bối trong Trung tâm. Do vậy, bà nhận định rằng để trở thành một thanh đồng tốt, xứng danh là người con của Mẫu thì bản thân phải có ý thức và sự kỉ luật. 

Bên cạnh đó, Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh cũng cảm thấy vô cùng tự hào với những người thân trong gia đình và cộng đồng khi được vinh dự ôm bó hoa tươi thắm cùng Bằng khen, Giấy khen trên sập hầu thánh sau mỗi lần diễn xướng. 

z5879975217439-fd48dae4ed3419e0f12a98a95654ea1c-1727620603.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh được tặng hoa và Giấy chứng nhận tại Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại đền Thánh Mẫu nhân Lễ giỗ lần thứ 599 năm Thánh mẫu Phạm Thị Ngọc Trần.

Một số trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh kể lại, thời gian đầu khi mới ra trình đồng ở điện, bà gặp không ít gian nan bởi lúc bấy giờ chồng là bộ đội, lại ra sức chống mê tín dị đoan, chỉ cho phép bà về tu tập ở cửa Phật nơi Tam Bảo. Chính vì vậy, bà đã phải tạm dừng lại việc thực hành tín ngưỡng của mình một thời gian. Cũng từ đó, bản thân Nghệ nhân như bị điên dại, tinh thần không bình thường, bao nhiêu khó khăn xảy đến với gia đình. 

Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của thầy và mọi người trong cộng đồng đạo hữu nên Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh đã lấy lại được tinh thần và tiếp tục bước lên sập hầu thánh. 

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam và của nhân loại. Điều này sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản như Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu.

z5880019710762-922524ffccaf52dd6f28b1d65d01cdc4-1727620966.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh nhớ lại, lần đầu tiên Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức hầu diễn xướng ở đền Mỏ Hạc Linh Từ, người thầy của bà hỏi rằng có muốn tham gia hay không thì bà lưỡng lự vì thực sự lúc đó bà không có đồng ngân đồng xuyến nào. 

Mặc dù người thầy của Nghệ nhân cũng vất vả không kém, nhưng vì thương trò nên thầy đã xoay sở, hỗ trợ cho bà đủ ba triệu đồng để được hầu thánh. Kinh phí chỉ vỏn vẹn từng đó thôi nhưng đã làm cho ba giá hầu của Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh hôm đó thật rực rỡ và đầy ý nghĩa, nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các cấp ban ngành. Vậy nên, đó là động lực để bà luôn cố gắng tham gia hoạt động diễn xướng mọi lúc mọi nơi nhiều nhất có thể, duy trì đến nay đã hơn 30 năm. 

z5879975186091-da0adc7af12d505a58efc1de4a015b18-1727620850.jpg

Biện pháp để phát huy được Tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay

Với vai trò là Hội viên Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh luôn cùng các thanh đồng và các nhà nghiên cứu dày công hỗ trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Quốc gia; tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học ở các tỉnh, thành, địa phương về hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; đồng thời, luôn dìu dắt, hướng dẫn và truyền dạy cho các đệ tử con nhang của mình hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu để thực hành một cách đúng đắn. Bà luôn tâm niệm người làm con của Mẫu phải giữ gìn được đạo đức, tu dưỡng bản thân để tôn vinh được đạo Mẫu, ra sức lan tỏa tín ngưỡng dân gian này ngày càng rộng rãi hơn.

Bà quan niệm, việc thực hành tín ngưỡng không nên đưa lên sân khấu, vì hầu xướng có nét uy linh của Mẫu nên phải được diễn trên sập hầu ở đền, điện trang nghiêm. 

z5872512972275-de44b4c2ab022ab1f675f82defd06375-1727620686.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh cùng Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy các giá trị Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong chuyến công tác từ thiện hướng về miền Bắc trong trận bão số 3 năm 2024. Ảnh: NVCC

Ngoài những đóng góp lớn trong công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa đạo Mẫu, Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh luôn dành một quỹ thời gian, công sức và tiền bạc của mình để tham gia các công tác thiện nguyện vì cộng đồng, giúp đỡ những gia đình nghèo khó, đồng bào thiên tai lũ lụt, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Trinh tâm niệm, khi bản thân đã được khoác lên mình chiếc áo của Mẫu và đồng thời là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Quốc gia thì sẽ luôn cống hiến hết mình để không hổ thẹn với Mẫu, với tập thể và với lương tâm mình. 

Như Yến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-nguyen-thi-trinh-de-tro-thanh-mot-thanh-dong-tot-xung-danh-la-nguoi-con-cua-mau-thi-ban-than-phai-co-y-thuc-va-su-ki-luat-a29182.html