Đó là NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà. Theo thời gian, Trần gia chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều hơn các nghệ sĩ ruột thịt và thân thiết với gia đình âm nhạc này. Đó là nhà sản xuất âm nhạc Trần Thanh Phương, cháu nội của nghệ sĩ Trần Hiếu – bé Trần Hoàng Hà, con gái nhạc sĩ Thanh Phương- bé Trần My Anh.
Trần gia Nhã Nhạc có thể hiểu là một thương hiệu âm nhạc gia đình của dòng họ Trần. Ở đó chỉ có những bài hát được viết ra bởi nhạc sĩ Trần Tiến, được chính ông hoặc anh trai ông- NSND Trần Hiếu và cô cháu gái- người thể hiện nhiều nhất và hay nhất những bài hát của Trần Tiến. “Thương hiệu” này đến ngẫu hứng bởi chính nhạc sĩ Trần Tiến, trong một chương trình biểu diễn nhỏ tại thành phố HCM của 3 nghệ sĩ họ Trần. Là thế hệ tiếp nối, Trần Thu Hà muốn phát triển thương hiệu âm nhạc này như một dấu ấn trên các sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp...
Chuyện phố bên sông là một câu chuyện gia đình nghệ sĩ Hà Nội trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Những câu chuyện ấy được nhạc sĩ Trần Tiến ghi lại bằng âm nhạc đầy hình ảnh chân thực nhất nhưng vẫn không thể không hào hoa, kiêu bạc. Nhiều ca khúc đã từng được hai chú cháu ghi âm chung trong album Tự họa- Chuyện phố bên sông, và rất được yêu thích nhưng đa phần chúng chưa được bước lên sân khấu biểu diễn. Nhạc của của album “Tự họa” và rộng hơn là của câu chuyện trong concert Chuyện phố bên sông cần một không gian mở, mơ mộng và hoài cổ, qua lời dẫn chậm rãi của chính tác giả thì những thước phim trắng đen về Hà Nội sẽ được kể lại. Và người xem và nghe nhạc sẽ được sống trong nó, cảm thấy gần và sẻ chia với nó.
Nói về chương trình, ca sĩ Trần Thu Hà chia sẻ “Từ cuối năm ngoái, tôi có dự tính làm liveshow cho mình vào thời điểm này. Tuy nhiên, tôi thấy cần thiết lúc này là đưa ra “Trần gia Nhã Nhạc” chứ không phải là một chương trình riêng cho mình. Tôi muốn được hát với bố tôi và chú tôi. Tôi phải thú thật, bố tôi đã có giai đoạn nằm viện, tới mức chú tôi sốc và viết bài báo làm tôi ở Mỹ đọc và giật mình. Giờ sức khỏe bố tôi đã tốt trở lại, có thể hát hay nên tôi muốn làm. Tôi không biết trong thời gian tới, trong những năm bố tôi còn khỏe, tôi có thể làm bao nhiêu lần “Trần Gia Nhã Nhạc” nữa nhưng chương trình này sẽ là câu chuyện đầu tiên “Chuyện phố ven sông”, câu chuyện về gia đình tôi, những người đã lớn lên từ con phố ven sông Hồng. trong đó, thế hệ của bố tôi- chú tôi là nhân vật chính. Tôi chỉ là người kể chuyện chung, chứ không phải là một người chứng kiến như họ”.
Trần Thu Hà bên bố Trần Hiếu
Các bài hát dành cho Trần Thu Hà như Dòng sông mùa thu, Phố nghèo, Vô tình... sẽ được cô trình diễn lại. Tuy nhiên phần lớn chương trình của Hà Trần sẽ dành để hát kết hợp cùng cha và chú mình. Hơn nữa, chính Hà muốn được lựa chọn Uyên Linh, một người hát trẻ mà cô yêu quý để hát chung trong chương trình. Đối với Hà, Uyên Linh sẽ là một người hát nhạc Trần Tiến hay nhất của thế hệ sau này.
Nhiều tác phẩm âm nhạc Trần Tiến ít được hát như Chào cuộc đời, Thượng đế buồn, Chim sẻ tóc xù... sẽ được NSND Trần Hiếu và nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện. Trong đó, nhạc sĩ Trần Tiến sẽ công bố ca khúc mới Ngũ sắc biển của mình. Theo Trần Thu Hà, khán giả có thể coi rằng cô là người hát nhạc Trần Tiến hay nhất, nhưng thực tế đối với cô khó có ai thể hiện hay bằng tác giả. Nhạc Trần Tiến, phần lớn viết trong tâm thế của một người đàn ông, dương tính quá cao, và chỉ có những người hát nam tính mạnh mẽ như bố và chú của cô mới có thể thể hiện được chúng.
Khách mời – nam ca sĩ Tấn Minh cũng là một sự lựa chọn tin cậy vì ngoài việc thân thiết với Trần Gia, Tấn Minh cũng là một giọng nam đẹp, gắn bó và thành công với nhiều ca khúc Trần Tiến. Trong chương trình này, Tấn Minh như một vị khách của chương trình, hát tình ca nồng nàn chứ không phải nhạc đỏ của Trần Tiến như thường thấy.
Sẽ là một chương trình nghệ thuật ... thật với mình, không có thông điệp nào cả. Trần gia Nhã Nhạc sẽ là nhiều câu chuyện về phố ven sông. Nơi chốn ấy có một ngôi nhà, một người mẹ và một lũ trẻ con... hồn nhiên lớn lên và thành những người nghệ sĩ lớn. Thế hệ này đến thế hệ khác, như những con sóng sông Hồng mang phù sa đắp bồi, và phố ven sông cứ đầy thêm trầm tích qua thời gian.
Minh Khuê
(Theo Một Thế Giới)