Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản gửi Sở VHTTDL tỉnh Nam Định về việc tiếp nhận bản phục hồi sắc phong tại Phủ Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải căn cứ từ bản gốc
Theo đó, Cục Di sản văn hóa nhận được Công văn số 1566/SVHTTDL-QLDSVH ngày 12/9/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đề nghị Cục có ý kiến về việc tiếp nhận bản phục hồi các sắc phong tại Phủ Vân Cát do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện (dự kiến tiếp nhận vào ngày 17/9/2024), kèm theo hồ sơ gồm các Công văn số 1040/UBND-VHTT ngày 10/9/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản; số 33/UBND-VHTT ngày 09/9/2024 của Ủy ban nhân dân xã Kim Thái và Đơn đề nghị ngày 06/9/2024 của ông Trần Văn Cường – thủ nhang Phủ Vân Cát.
Về việc này, Cục Di sản văn hóa có ý kiến như sau: Cục Di sản văn hóa hoan nghênh trách nhiệm và ý thức của nhân dân, thủ nhang Phủ Vân Cát, chính quyền địa phương xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định trong việc nỗ lực tìm kiếm các hiện vật, tư liệu nhằm củng cố giá trị khoa học liên quan đến di tích, góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Phủ Dầy. Tuy nhiên, việc triển khai phải bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Về việc phục hồi các sắc phong liên quan đến Phủ Vân Cát, Cục Di sản văn hóa cho rằng, Phủ Vân Cát thuộc di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 21/02/1975, được sửa đổi tên gọi tại Quyết định số 488/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2021. Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích (quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh), Bản thống kê hiện vật di tích Phủ Vân Cát không có các sắc phong.
Do đó, đối với việc phục hồi các sắc phong liên quan đến Phủ Vân Cát, căn cứ các quy định của Luật Di sản văn hóa:
Đối với các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, pháp luật về di sản văn hóa quy định về việc làm bản sao, cụ thể tại: Khoản 8 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, mầu sắc, trang trí và những đặc điểm khác".
Điều 46 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định "Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải bảo đảm các điều kiện sau: (1) Có mục đích rõ ràng; (2) Có bản gốc để đối chiếu; (3) Có dấu hiệu riêng để phân biệt với bản gốc; (4) Có sự đồng ý của chủ sở hữu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; (5) Có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".
Như vậy, Luật Di sản văn hóa quy định việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải căn cứ từ bản gốc, phải có bản gốc để đối chiếu và phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
Về quy định "phục hồi", pháp luật về di sản văn hóa chỉ có quy định về việc phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cụ thể tại: Khoản 13 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục hưng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó".
Điều 34 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích".
Điều 35 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Thẩm quyền phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích được thực hiện theo Luật này và các quy định của pháp luật về xây dựng. Khi phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".
Theo đó, Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về việc phục hồi đối với di tích lịch sử - văn hóa, không quy định phục hồi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc làm mới các sắc phong
Cục Di sản văn hóa khẳng định, việc thực hiện làm mới các sắc phong để phục vụ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích khi không tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa, có thể vi phạm vào hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật, cụ thể:
Khoản 1 và khoản 5 Điều 13 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009): "Nghiêm cấm các hành vi sau đây: (1) Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; (5) Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín di đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật".
Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010: "Những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa: (1) Những hành vi làm sai lệch di tích: (a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích".
Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định dừng việc phối hợp với Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong việc làm mới các sắc phong nêu trên và chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chính quyền địa phương không tổ chức tiếp nhận các hiện vật làm mới này vào di tích, hoặc sử dụng vì mục đích bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trường hợp các sắc phong mới đã được làm xong, đề nghị Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, hủy bỏ để không làm sai lệch di sản văn hóa.
Để bổ sung các tư liệu nhằm củng cố lịch sử, giá trị của di tích theo nguyện vọng, đề xuất của thủ nhang, chính quyền và nhân dân địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định có thể đề nghị, phối hợp với cơ quan nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cung cấp bản sao tài liệu có đóng dấu sao y bản chính để lưu giữ, tham khảo. Tuy nhiên, việc sử dụng các tư liệu này vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích phải được thẩm định tính xác thực bằng văn bản của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học có liên quan và phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cuc-di-san-van-hoa-len-tieng-ve-viec-lam-moi-dao-sac-phong-o-phu-van-cat-nam-dinh-a29118.html