Dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị tư vấn quy hoạch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn quy hoạch trình bày báo cáo tổng thể về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Không gian hình thành, phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư bao gồm khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình.
Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận. Tổng diện tích trong ranh giới quy hoạch tỷ lệ 1:2.000 khoảng 4.500 ha; quy hoạch tỷ lệ 1:500 khoảng 300 ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.
Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với di tích một cách hữu hiệu.
Nội dung quy hoạch gồm: Các đặc trưng và giá trị tiêu biểu của Cố đô Hoa Lư; các chiến lược bảo tồn và phát triển Cố đô Hoa Lư. Mô hình bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư (duy trì tính nhất quán của mô hình bảo tồn bền vững di sản từ vĩ mô tới vi mô bao gồm 5 hợp phần cơ bản, lựa chọn mô thức cộng đồng chung sống làm hình thái bảo tồn và phát triển tổ chức không gian của các khu vực di sản Cố đô Hoa Lư, kết nối hệ thống di sản và tương tác phát triển). Quy hoạch phân vùng chức năng (Cố đô Hoa Lư được xác lập bao gồm 9 phân vùng chức năng); phát triển kinh tế di sản gắn với công nghiệp văn hóa và du lịch; định hướng xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích; định hướng đề xuất nâng hạng, bổ sung địa điểm di tích chưa được xếp hạng; định hướng giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng nội dung bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; quy hoạch hạ tầng kinh tế-xã hội; quy hoạch hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; định hướng quy hoạch không gian chức năng; định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; định hướng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác định các nhóm dự án thành phần, dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung được nêu tại án như: phạm vi, quy mô và ranh giới quy hoạch, các đặc trưng và giá trị tiêu biểu của Cố đô Hoa Lư, Định hướng không gian chức năng, Chiến lược phát triển Đô thị di sản Cố đô Thiên niên kỷ. Trong đó nhấn mạnh đến trọng tâm, cốt lõi là phát triển kinh tế di sản và công nghiệp văn hóa; Chiến lược "ngôi sao" và kinh tế thương hiệu; Chiến lược sáng tạo “đa chiều” và hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời Quy hoạch Cố đô Hoa Lư cần được xác định tập trung “Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững và “Xác lập các điều kiện, tiền đề, nền tảng cho hình thành đồng bộ hệ sinh thái các sản phẩm công nghiệp văn hoá, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản” và lấy đó làm tôn chỉ.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Ninh Bình