Có một điều dễ nhận thấy, đó là người Mạ, K’Ho ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng luôn nỗ lực để lưu giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, từ điệu chiêng cha truyền đến chiếc váy thổ cẩm mẹ mặc trong mùa lễ hội. Lộc Tân hôm nay hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào bản địa, từ cồng chiêng, thổ cẩm và đến nay là phục dựng nhà dài truyền thống. Tại các nhà dài truyền thống này, trong các dịp lễ hội, bà con quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe về những ngày lên nương, lên rẫy, những câu chuyện quá khứ đã trở thành huyền thoại. Xuyên suốt hành trình tìm hiểu những giá trị truyền thống của đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân, điều ấn tượng chính là thổ cẩm truyền thống lại được sống trong những đám cưới hiện đại. Rồi nữa, cũng bên bếp lửa ấy, từng ống cơm lam, từng bát canh đọt mây, rau rừng bóc khói nghi ngút tái hiện văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Để rồi mỗi khi màn đêm buông xuống nơi xứ đại ngàn vùng Nam Tây Nguyên, thanh niên, trai gái bản làng lại đắm say trong tiếng cồng, tiếng chiêng với từng điệu múa.
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm chính quyền địa phương và bà con đồng bào DTTS nơi đây đã chung tay phục dựng nhà dài truyền thống theo triền ký ức. Đây là cách làm hay để lưu giữ truyền thống, chung tay xây dựng, bảo tồn văn hóa của người Mạ, K'Ho bản địa. Bằng sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, ngôi nhà dài được dựng ở nơi cao ráo, quang đãng; thể hiện nét tinh hoa, độc đáo trong kiến trúc núi rừng. Cách làm của xã Lộc Tân trong việc phục dựng nhà dài là dựa vào sự đóng góp công sức, vật liệu của đồng bào. Mỗi người mỗi việc, người đục, người đẽo, người đan phên vách, người buộc lạt mây, người lợp mái... đã tạo nên một cộng đồng đoàn kết để bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương.
Và, điều đặc biệt hơn đối với vùng đất này, tháng 5 vừa qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức lễ ra mắt Mô hình sinh hoạt văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch của đồng bào dân tộc Mạ tại xã Lộc Tân, được thực hiện theo lộ trình của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lâm Đồng năm 2024. Mô hình ra đời sẽ góp phần bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian của người Mạ như các làn điệu dân ca, dân vũ, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, các nghi lễ, lễ hội... Từ đó, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích và là nơi sinh hoạt cho cộng đồng các dân tộc Mạ trên địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung trong giai đoạn hiện nay. Cũng tại buổi lễ này, UBND xã Lộc Tân đã công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng xã Lộc Tân, với 30 thành viên. Các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ là nòng cốt trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại địa phương; truyền dạy, xây dựng lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng... Bên cạnh việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ cho những lễ hội, sự kiện quan trọng của bản làng, Câu lạc bộ hướng tới mục tiêu khai thác, phát triển phục vụ du lịch cộng đồng để có thêm nguồn lực hoạt động, vừa nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.
Còn gì đẹp hơn trong những dịp lễ hội, Tết đến, xuân về và khi đất trời Tây Nguyên vào hội, cũng là khi đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng lại được chìm đắm trong những điệu chiêng bên ngôi nhà dài truyền thống, ché rượu cần. Ngày cưới, cô gái trẻ lung linh trong bộ váy cưới thổ cẩm, để nhớ một thời dấu yêu. Hiện đại quyện hòa cùng truyền thống là một trong những cách thức để bảo tồn và phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào DTTS nơi đây./.
Nguyễn Đình Hoàn