Bình Phước: Phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa

Với 34 dân tộc anh em sống, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 40% dân số toàn huyện, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng (Bình Phước) luôn quan tâm đến công tác dân tộc, đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số về tuyên truyền, vận động giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa...

vna-potal-khu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-stieng-soc-bom-bo-binh-phuoc-7560861-6991-1725768910.jpg
Bộ đàn đá nặng 20 tấn lớn nhất Việt Nam trưng bày trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tấm gương từ những già làng

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Đăng Nguyễn Tuấn Anh, già làng, người có uy tín là những cá nhân giàu kinh nghiệm, hiểu rõ về phong tục tập quán và tâm tư, nguyện vọng của người dân, luôn đi đầu trong hoạt động của khu dân cư; lời nói việc làm của họ luôn có trọng lượng và tính định hướng cao. Vì vậy, họ có vị trí, vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện. Đây là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, cánh tay nối dài của Mặt trận, đoàn thể và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, nhà nước với nhân dân.

Trong kho tàng văn hóa truyền thống của người S’tiêng, cồng, chiêng, tố, ché, xà lung là những báu vật quý. Trước đây, nhà nào có nhiều cồng, chiêng, tố, ché, xà lung là người giàu có và có địa vị cao trong buôn, sóc. Theo thời gian, nhiều lễ hội và phong tục tập quán truyền thống của người S’tiêng bị mất đi và không gian dành cho các nhạc cụ này cũng dần mai một. Tuy nhiên, tại thị trấn Đức Phong (huyện Bù Đăng, Bình Phước), già làng Điểu Đố (trên 100 tuổi) vẫn giữ được nguyên vẹn không gian văn hóa nhà dài truyền thống và hơn 70 xà lung, tố, công chiêng… trị giá hàng tỷ đồng.

Già làng Điểu Đố cho biết đây là ngôi nhà “độc nhất vô nhị” còn sót lại ở Bình Phước. Ông cũng không biết ngôi nhà hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng khi ông sinh ra đã có nó rồi. Đến nay, ngôi nhà vẫn lưu giữ hình dáng nguyên vẹn xưa kia và được lấy làm mẫu để dựng nhà truyền thống tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Già làng còn vận động con, cháu thành lập câu lạc bộ văn nghệ để học đánh cồng chiêng, kể chuyện sử thi, dệt áo, đan gùi lên rẫy, bởi đó là phần hồn của dân tộc và là "báu vật" của cha ông để lại. Đặc biệt, từ khi Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được xây dựng, câu lạc bộ cồng chiêng này được chọn để biểu diễn phục vụ du khách đến thăm quan; đi biểu diễn ở nhiều nơi với không ít giải thưởng.

Dù nhiều người tìm mua và trả giá cao cho những chiếc xà lung hàng trăm năm tuổi, những chiếc tố rồng, tố có đắp nổi hình cóc..., nhưng Già làng Điểu Đố luôn từ chối bán những "báu vật" này với một quyết tâm đơn giản “truyền thống thì phải giữ thôi”.

Được biết đến với cái tên thân thuộc “người giữ lửa xưa và nay”, già làng Điểu Lên (sinh năm 1945) là 1 trong 8 thành viên Hội đồng già làng xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Ông luôn trăn trở tìm cách bảo tồn văn hóa truyền thống, không để những giá trị văn hóa tốt đẹp bị mai một. Do đó, ông thường xuyên kể cho con cháu, đồng bào nghe về truyền thống, văn hóa của dân tộc mình như lễ hội đâm trâu, phá bàu, mừng lúa mới, phong tục cưới hỏi, ma chay... Ông cũng từng dạy hát sử thi, múa cồng, dạy làm một số nghề thủ công cho con cháu.

Từ năm 2011, xã Bình Minh được đầu tư xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo, già làng Điểu Lên đã đóng góp nhiều hiện vật. Các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, lễ hội được phục dựng lại tại Khu Bảo tồn đều được tư vấn, đóng góp ý kiến để triển khai thực hiện được bài bản, bảo đảm giữ đúng bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, già làng Điểu Lên còn vận động thành lập tổ dệt thổ cẩm, Đội văn nghệ của sóc Bom Bo và 2 Đội cồng chiêng nhằm duy trì văn hóa truyền thống và phục vụ du khách. Ngoài việc tham gia biểu diễn giao lưu với các đoàn khách, Đội văn nghệ và Đội cồng chiêng còn tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Già làng Điểu Lên rất vui mừng khi giới trẻ ở xã Bình Minh, đồng bào S’tiêng rất thích hát múa bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Đội văn nghệ của sóc Bom Bo do ông lập từ năm 1967 và duy trì tới nay với hơn 30 thành viên. Đội cồng chiêng luôn được bổ sung thành viên trẻ và giữ truyền thống múa hát theo lời bài hát năm xưa…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Đăng Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, người có uy tín từ các dân tộc khác đến lập nghiệp ở huyện Bù Đăng đã phối hợp cùng các ngành chức năng thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính, đờn ca tài tử; duy trì làn điệu dân ca dân tộc, bộ sử thi; loại hình âm nhạc, văn học dân gian; sưu tầm hiện vật, cổ vật… Đặc biệt, sử thi Ót N’drong là một trong những bộ sử thi độc đáo và đồ sộ của Việt Nam đang được các nghệ nhân lưu truyền.

vna-potal-khu-bao-ton-van-hoa-dan-toc-stieng-soc-bom-bo-binh-phuoc-7560851-6180-1725768953.jpg
Nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhánh Bù lơ được phục dựng trong Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Chung tay, góp sức từ cộng đồng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, tỉnh có 25 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận, trong đó, có 4 di sản của đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh đã thực hiện các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống và ưu tiên đầu tư việc giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào S’tiêng, M’nông, Khmer; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật, lễ hội có nguy cơ thất truyền; bài trừ hủ tục lạc hậu; phát huy vai trò chủ động của đồng bào bảo tồn và phát huy di sản văn hóa...

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, huyện rà soát các quy định có liên quan để phối hợp với các bên liên quan tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với Khu Bảo tồn văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo, tại xã Bình Minh, làm cơ sở pháp lý để đầu tư và phát huy hiệu quả không gian, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Đăng Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, cần thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với già làng, người có uy tín để họ yên tâm, tích cực hơn khi tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa...

Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên tăng cường giám sát thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc; tăng cường giám sát việc quản lý, điều phối cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa đã xây dựng, kiến nghị nội dung chưa phù hợp với thực tiễn... Nhưng quan trọng hơn cả, đồng bào phải tự ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc song song với gắn kết, mở rộng giao lưu để Bình Phước có một nền văn hóa phát triển đa dạng.

Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/binh-phuoc-phat-huy-vai-tro-gia-lang-nguoi-co-uy-tin-trong-giu-gin-truyen-thong-ban-sac-van-hoa-a29083.html