Nghệ sĩ Thiên Thanh (ảnh nhân vật cung cấp).
Học được nhiều điều từ nhân vật trong phim
Phim được xây dựng trên câu chuyện có thật về cuộc đời cô bé Anandi phải sớm kết hôn khi mới 8 tuổi, nhưng với khán giả, nhân vật gây thú vị nhất chính là bà Kalyani - bà nội chồng của Anandi. Đây là một nhân vật vô cùng khó tính, khắt khe, cổ hủ và chi phối toàn bộ các hoạt động trong gia đình. Thế nhưng, điều thú vị ở chỗ, nhân vật này chỉ khiến người ta giận chứ không thể ghét. Dù khán giả vô cùng khó chịu với cách hành xử của bà Kalyani, nhưng tất thảy những việc bà làm đều xuất phát từ tình yêu thương dành cho con cháu. Chính vì vậy mà với nghệ sĩ Dương Thiên Thanh, được lồng tiếng cho vai diễn này là một trải nghiệm thú vị.
“Ban đầu khi được giao thể hiện vai bà Kalyani, tôi khá mệt vì hầu như lúc nào bà ấy cũng quát tháo, cáu kỉnh. Nhưng trải qua nhiều biến cố cùng nhân vật, tôi ngày càng yêu thích bà ấy nhiều hơn. Những khó khăn, bi kịch dường như không khiến bà ấy gục ngã mà luôn biết cách để hóa giải và chèo lái con thuyền gia đình đi vào nề nếp, dù nhiều lúc, cách giải quyết của bà là rất cực đoan và tàn nhẫn. Cái hay của bộ phim này là dù vẫn ở trạng thái đối kháng với con cháu, nhưng tình yêu thương của bà Kalyani chính là sự hóa giải tuyệt vời các xung đột gia đình. Đây chính là thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm và cũng là lý do để nó được yêu thích ở nhiều quốc gia đến vậy”, Thiên Thanh nói.
Điều thú vị là lồng tiếng cho một bà già, nhưng Thiên Thanh vẫn còn khá trẻ. Với lợi thế giọng trầm và xuất phát điểm là một diễn viên sân khấu (hiện đang làm cho Đoàn kịch Phú Nhuận) nên Thiên Thanh nhập vai rất tốt. Thêm nữa, trong phim “Cô dâu 8 tuổi”, Thiên Thanh không chỉ đảm đương lồng tiếng nhân vật Kalyani mà còn đảm trách thêm hai nhân vật nữa, đó là Suna (chị gái của Jagdish) và Nandu (cháu nội của bà Kalyani).
Cơ duyên đến với nghề lồng tiếng được cô chia sẻ: “Cách đây 7 năm, tốt nghiệp ĐH Sân khấu điện ảnh, tôi nhận được lời mời lồng tiếng cho phim. Vì chưa có việc làm nên có cái gì kiếm được tiền là tôi nhận lời. Buổi thử hôm đó, tôi được trả cát-sê 200.000 đồng. Hồi đó, với một sinh viên mới ra trường thì số tiền này khá lớn. Sau này, tôi thấy nghề này cũng ổn nên từ chỗ chỉ coi là phụ thì giờ thành chính. Còn nghề chính thành ra chỉ đi làm thêm, vì lâu lâu mới có vở để diễn”.
Hỏi Thiên Thanh, phim có nhiều cảnh khóc lóc như vậy thì diễn viên lồng tiếng khóc thật hay khóc giả? Cô cho biết: “Do mỗi người chỉ lồng tiếng cho nhân vật của mình nên chúng tôi không được theo dõi diễn tiến câu chuyện từ đầu đến cuối như khán giả. Hơn nữa, nếu cứ khóc thật thì sẽ rất mệt, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc xúc động thực sự. Khi đã coi đó là công việc thì người lồng tiếng sẽ phải sử dụng những kỹ năng, kỹ xảo để vào vai mà không cần phải khóc thật. Khán giả xúc động quan trọng hơn là người lồng tiếng xúc động. Chính vì vậy mà người lồng tiếng phải truyền được cảm xúc vào vai diễn để người xem cảm được”.
Đảm nhiệm một lúc 4 nhân vật
Nghệ sĩ Quang Thanh (ảnh nhân vật cung cấp).
Khác với Thiên Thanh, diễn viên Quang Thanh - người lồng tiếng cho nhân vật chính Jagdish, chồng của Anandi - phải đảm nhiệm nhân vật từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi tham gia casting, ban đầu anh không dám nhận vai này vì sợ khó. Quang Thanh chia sẻ: “Suốt 2 phần đầu, tôi phải giả giọng làm trẻ con nên khi mới làm, ra khỏi phòng thu là đầu đau ê ẩm. Đến phần 3, điều khiến tôi mừng nhất là được nói bằng giọng đúng lứa tuổi của mình, vì lúc này nhân vật Jagdish đã trưởng thành”.
Nói về những kỷ niệm trong quá trình tham gia hậu kỳ của phim, Quang Thanh cho biết: “Dù lồng tiếng cho nhân vật Jagdish, cũng có nhiều cảnh phải khóc, nhưng nhân vật khiến tôi rơi lệ thật lại chính là Anandi. Đó là một cô gái xinh đẹp, thông minh và luôn biết nghĩ cho người khác, nhưng cuối cùng lại bị người chồng của mình phụ bạc, coi thường để yêu người khác. Giọng nói của nhân vật Jagdish lúc này cũng được tôi điều chỉnh trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn chứ không ấm áp như khi còn ở bên Anandi. Vì điều này mà tôi bị bạn bè ghét luôn. Bảo, sao ở ngoài dễ thương như thế mà lại chọn nhân vật đáng ghét vậy”. Ngoài nhân vật Jagdish, Quang Thanh còn lồng cho 3 nhân vật phụ nữa là: Bố của Anandi, bố của Siam (anh rể Jagdish) và người hầu nhà bà Kalyani.
Dù học chính về phát thanh truyền hình nhưng Quang Thanh cho biết, anh phải duy trì nghề bằng cách kinh doanh online để kiếm thêm. Nghề lồng tiếng hiện nay cũng mang đến cho anh thu nhập khá ổn định nhưng lại không phải là công việc thường xuyên. Có lúc làm không hết việc, nhưng lắm khi lại “mốc meo”. Việc duy trì cả hai công việc vừa mang lại thu nhập tốt hơn, vừa là cách để Quang Thanh tạo cho mình luôn bận rộn. Anh quan niệm: “Thời gian là điều rất quý giá, cần phải biết tận dụng để làm điều mình thích. Tôi muốn mỗi phút trôi qua đều trở nên có ích với bản thân, với cuộc sống”. Trải qua 4 năm trong nghề, có đài từ tốt và nhiều kinh nghiệm, hiện Quang Thanh đang là diễn viên lồng tiếng khá “đắt show” ở TPHCM.
(Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội)