Đi hát đình mùa kỳ yên, hát chùa mùa Vu lan báo hiếu lâu nay là công việc của giới nghệ sĩ sân khấu, nhất là khi sàn diễn chuyên nghiệp gần như không còn. Khác với hát “đám buồn” và hát “phá hoàng”, nghệ sĩ đi hát ở chùa phát tâm đến cửa Phật để đem lời ca tiếng hát phục vụ phật tử hành hương, đồng thời ca ngợi công ơn những đấng sinh thành, người có công với đất nước, quê hương. Thế nhưng, đi hát ở sân chùa ngày nay không còn ý nghĩa tốt đẹp như ban đầu, mọi thứ trở nên phức tạp, biến tướng...
May được tiền, xui húp cháo
Nếu bây giờ ai quan niệm đi hát chùa là không nhận thù lao là sai. Bởi hiện nay, các nghệ sĩ được mời hát chùa được trả cát-sê có khi còn cao hơn cả nghệ sĩ hát tại sân khấu. Trước hết, các chùa có ban vận động phật tử hảo tâm, họ phát tâm cúng dường bằng cách quyên góp, ủng hộ để tổ chức các chương trình văn nghệ tại chùa. Tiền của bá tánh góp lại nên giá cát-sê cao của nghệ sĩ ngôi sao đều được đáp ứng nhằm tạo điều kiện cho phật tử các địa phương đến viếng chùa có cơ hội gặp gỡ thần tượng của họ.
Đối với nghệ sĩ Hoài Linh, hát hầu đồng là việc thiêng liêng
Tuy nhiên, không phải bầu sô nào cũng sòng phẳng với nghệ sĩ khi mời hát ở chùa. “Tiền hay cháo?” là cách hỏi của nghệ sĩ với nhau sau khi hát ở chùa về. Nếu trả lời được “tiền” có nghĩa là thù lao khấm khá còn trả lời “cháo” có nghĩa không ra gì, tức là húp cháo thật. Thường bầu sô nhận sô diễn ở các chùa rất cao nhưng chi trả thù lao cho anh em nghệ sĩ lại rất bèo, nhất là nghệ sĩ không thuộc hàng sao. Họ được mệnh danh “quỷ hút máu nghệ sĩ” vì khi trả tiền thù lao cho nghệ sĩ, họ ăn chặn, ăn bớt, có khi chỉ đãi nghệ sĩ bát cháo khuya, bỏ vào bao thư một tờ giấy cảm ơn của nhà chùa, còn tiền sô thì ôm hết.
“Rất nhiều bầu sô trước đây là nghệ sĩ chuyên tổ chức hát ở chùa phất lên nhờ làm những trò bất nhân như thế. Họ ăn chặn tiền nghệ sĩ đã đành, lấy danh nghĩa chùa đi quyên góp tiền trong bá tánh để bỏ túi riêng” - nghệ sĩ Hồng Nga cho biết. Bà nói rằng mình không còn nhẹ dạ khi nghe những lời mời hát ở chùa, hát từ thiện vì bị bầu sô gạt nhiều quá rồi. Còn theo ca sĩ Phương Thanh, một số ca sĩ cứ nói vào chùa hát miễn phí nhưng thực tế đều nhận cát-sê, chưa kể tranh thủ bán đĩa, quảng bá tên tuổi của mình ở đó.
Nghệ sĩ Lệ Thủy cho rằng đến chùa hát là phục vụ bá tánh, phật tử, tức người nghệ sĩ cũng đang làm công tác thiện nguyện, hướng cuộc sống phát triển ngày càng tốt đẹp hơn nên không nghĩ đến cát-sê. Vì vậy, nhiều bầu sô lợi dụng cửa chùa làm nơi kiếm ăn, xem đó là thị phần để kinh doanh, mượn tấm lòng từ bi của bá tánh để trục lợi, làm hoen ố ý nghĩa tổ chức và biểu diễn văn nghệ nhằm làm tốt đời, đẹp đạo mà các sư thầy, sư cô hướng tới.
Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi nhau tại sân chùa giữa nghệ sĩ với bầu sô khi không nhận được thù lao như đã hứa hoặc nghệ sĩ vạch trần bộ mặt bầu sô ăn chặn, quỵt cát-sê của họ.
Mong ngày quay lại sàn diễn
Nghệ sĩ Cẩm Hiền chua xót nói cô thèm được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, trong một vở tuồng được dàn dựng công phu. Bởi cái nghề được học từ gia đình, được vun bồi từ thầy cô, đồng nghiệp nay chỉ để diễn trong các đám tang thì quả là tủi phận. Theo nghệ sĩ Hoài Thanh (HCV giải Trần Hữu Trang 2014), cô gần như chỉ hát đám tang, ít có dịp bước lên sàn diễn chuyên nghiệp. Một khi sàn diễn vẫn chưa thể nuôi sống bản thân, những người nghệ sĩ sống với niềm đam mê sân khấu cháy bỏng đã phải lấy việc đi hát đình, hát miễu, hát đám để lấy ngắn nuôi dài. Nghệ sĩ Trúc Linh khoe: “Tôi hát đám tang để dành dụm tiền mua sắm trang phục, đợi có dịp trổ tài trên sàn diễn chuyên nghiệp”. Ước mơ của anh cũng là ước mơ của rất nhiều nghệ sĩ vướng nghiệp cầm ca.
Hát hầu đồng nhằm trục lợi
Khác với hát ở chùa, hát “đám buồn”, hát “phá hoàng”, hát hầu đồng ở các ngôi miễu đang nổi lên và chỉ dành cho một bộ phận khán giả thời thượng. Khi bộ môn nghệ thuật hát văn, hát hầu đồng được xem là độc đáo, kết hợp giữa nghệ thuật dân gian mang yếu tố tâm linh với đời sống đương đại, một số nghệ sĩ đã gắn kết với hát văn, hát hầu đồng để trục lợi.
Danh hài Hoài Linh cho biết với anh, việc hát hầu đồng là thiêng liêng, mang đến sự chia sẻ, động viên để người tham dự nhận chút lộc từ tiền cúng tế của ban tổ chức, qua đó động viên người nhận lộc nỗ lực trong công việc để có sự tự tin đi tới thành công, chứ tuyệt nhiên không dùng hình thức hát hầu đồng trong những việc làm mê tín dị đoan để trục lợi, đẩy gia chủ vào tình cảnh khó khăn phải cầm nhà, cầm xe, vay mượn tiền để cúng.
Nghệ sĩ Trung Hưng - người thọ giáo danh hài Hoài Linh hát hầu đồng - nói: “Tôi học được từ nghệ sĩ Hoài Linh ý thức làm đẹp hơn giá trị của bộ môn nghệ thuật hát hầu đồng, hát văn. Tuyệt đối không xem việc hát hầu đồng nhằm trục lợi”.
Chính vì thế, Hoài Linh cũng như nghệ sĩ Trung Hưng đã nhiều lần từ chối các đại gia mời hát hầu đồng với giá cao ngất ngưỡng.
Chưa kể đến những mối quan hệ bất chính núp bóng sau việc hát hầu đồng của nghệ sĩ khiến không gian nghệ thuật của bộ môn này bị nhuốm màu đen tối.
(Theo Thanh Hiệp/Người Lao Động)