Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có đồng chí Lâm Tiến Thạch, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Phú, lãnh đạo các phòng, ban, ngành có liên quan, cùng lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn có điểm di tích, công trình văn hóa trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Phòng Văn hóa và Thông tin, hiện huyện Long Phú có 04 di tích được xếp hạng lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (Đình thần Nguyễn Trung Trực, thị trấn Long Phú; Chùa Quan Âm, thị trấn Đại Ngãi; quê quán danh nhân Lương Định Của, thị trấn Đại Ngãi và cổ Đình thần Nguyễn Trung Trực, xã Long Đức). Ngoài ra, huyện Long Phú còn có 04 bia lưu niệm, đó là: Nơi đón Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền, tại thị trấn Đại Ngãi; Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Long Phú, thị trấn Long Phú; Bia Chiến thắng xã Hậu Thạnh và Bia lưu niệm nơi thành lập Đại đội địa phương quân của huyện, tại xã Long Đức. Ở mỗi địa điểm Đoàn đến khảo sát, Đoàn lưu ý lãnh đạo các địa phương và bà con nhân dân, quan tâm chăm sóc, tu sửa, tạo cảnh quan xanh – sạch, đẹp, mỗi khi có khách đến tham quan, học tập, nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Khảo sát thực tế tại xã Song Phụng cho thấy đây là điểm có thể khai thác các tour, tuyến du lịch của địa phương. Đình thần Phụng Tường 2 có điện tích trên 3.000m2 và được xây dựng cách nay hơn 100 năm, được trùng tu lại vào năm 2015. Trong sân đình có cây bàng cổ thụ hơn 200 năm tuổi. Đình có địa giới gần với cồn Lý Quyên, nằm trên dòng Sông Hậu, tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, (về phía Đông) và phía Bắc giáp với cồn Mỹ Phước (cồn Quốc gia), thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Theo nguyện vọng của bà con nhân dân và Ban hội đình thần Phụng Tường 2, lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các phòng, ban, ngành đề nghị Giám đốc Sở VHTTDL và các ngành chức năng, sớm thjujwc hiện các thủ tục xếp hạng Đình thần Phụng Tường 2 là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và Cây bàng trên 200 năm tuổi là cây di sản.
Qua buổi khảo sát thực tế, đồng chí Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL, ghi nhận những đề nghị của địa phương, đồng thời sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, phối hợp địa phương sớm hoàn thành các thủ tục đề nghị xếp hạng Đình Thần Phụng Tường 2, là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh và Cây bàng trên 200 năm tuổi, là cây di sản.
Cũng theo thông tin từ đồng chí Trần Minh Lý, trong tương lai tỉnh sẽ quy hoạch cồn Lý Quyên, hay còn gọi là cồn Ông Hàm, thuộc xã Song Phụng, làm sân golf. Huyện Long Phú, phải nắm cơ hội này, tranh thủ xây dựng các phương án trùng tu, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các hạng mục cần thiết, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tâm linh; kết hợp khai thác các tuyến, tour du lịch tại địa phương. Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi gia trị du lịch hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; nhất là triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biếu gắn với xây dựng nông thôn mới. góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 182/KH - UBND ngày 14/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, triển khai phát triển Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025.
Nhân dịp này đoàn còn ghé thăm công trình Cống và Âu Thuyền Rạch Mọp, được triển khai xây dựng tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách và xã Song Phụng, huyện Long Phú. Nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và thành phố Sóc Trăng, giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng