Từ những chuyến đi
Ngoài những chuyến đi cá nhân có, tập thể có đến với những đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới, những đơn vị của quân đội, những thôn làng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Bình Định… thì năm 2012 tôi được theo con tàu HQ 936 cùng anh em phóng viên, biên tập viên một số báo đài có dịp được cùng nhau tác nghiệp ở các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Mỗi lần đi là một lần thêm trải nghiệm, để lại cho nhau bao kỷ niệm với tháng ngày, với bạn bè đồng nghiệp, với cấp ủy chính quyền, người dân địa phương, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và quân dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Với tôi, cuộc đời làm báo, có lẽ được tính từ bài viết về “Đảng bộ Quân sự tỉnh Gia Lai mạnh từ chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở” được đăng trên Báo Nhân dân đầu năm 1998. Đến nay đã hơn 26 năm gắn bó với nghề báo, tôi được đi, được gặp nhiều người, được nghe họ kể nhiều câu chuyện. Mỗi người tôi gặp đều để lại những ấn tượng, tình cảm khó quên. Tôi nhớ hình ảnh những tân binh ở Quân đoàn 3, ở Sư đoàn 968 (Quân khu 4) xúc động và không quên lo lắng khi lần đầu được bắn súng, ném lựu đạn, rồi cũng chính những khuôn mặt ấy cười vui khi đạt kết quả khá, giỏi, đặc biệt là “ba vòng 10” , được chỉ huy lãnh đạo đơn vị tặng hoa, vinh danh; hình ảnh những người dân ở Tuy Phước (Bình Định), ở AYun Pa (Gia Lai) bị kẹt nước lũ, nằm trên những nóc nhà cầu cứu; làm sao quên được hình ảnh một cụ già ở Tuy Phước (Bình Định) ôm và trôi cùng dòng lũ theo một con trâu, để khi được bộ đội cứu, cụ chỉ xúc động “bộ đội cứu sống mình rồi, nhà tôi chỉ còn con trâu này, nhà cửa tài sản trôi hết rồi, giờ mất con trâu lấy gì mà sống…”; hình ảnh thương tâm của bà con từ nước bạn Lào và từ các tỉnh phía Nam đêm ngày kéo nhau “trốn dịch Covid-19”; những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiếp đón, hướng dẫn, trợ cấp, khám chữa bệnh, cách ly cho bà con trở về quê trong đại dịch… Làm sao tôi quên được cảnh hoang tàn của những làng quê ở Triệu Phong, Hải Lăng, Do Linh (Quảng Trị) sau những trận bão lũ, rồi hình ảnh những người nông dân sau cơn lũ nhà cửa xiêu sụp vẫn cười vui khi chúng tôi đến tác nghiệp hỏi chuyện và tặng quà hỗ trợ. Tình người, tình quân dân được minh chứng bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực, tỏa sáng hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, nhất là những lúc khó khăn, phức tạp.
Hình ảnh con tàu “in hình Tổ quốc” nhấp nhô trên sóng lớn mấy ngày đêm để đưa những người con đất liền ra với đảo. Niềm vui và cả những giọt nước mắt xúc động trên các khuôn mặt sạm nắng gió của quân dân trên các đảo Trường Sa khi đón chúng tôi, rồi những những cái bắt tay nắm chặt lúc chia xa như để nối câu khẳng định “Tổ quốc mãi trường tồn! Các anh yên tâm chúng tôi sẽ quyết tâm giữ vững từng hạt cát, từng ngọn sóng trên biển đảo quê hương”. Ký ức vẫn cất giữ đâu đó hình ảnh của vị tướng già (Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) ra thăm đảo, không quên đem quà là những gói hạt giống rau cải, rau muống, những bao phân vi sinh với mong muốn "₫ể ngày mai đảo Trường Sa thêm xanh, thêm đẹp, bộ đội có đủ rau để ăn…”.
Những kỷ niệm in hình năm tháng
Nghề báo đã cho tôi và đồng nghiệp thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng trên các nẻo đường của quê hương, đất nước. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả nguy hiểm. Những mảnh đất , những thôn làng tôi đặt chân đến, những con người tôi gặp là những mảnh ghép đa màu của cuộc sống, là những bài học chứa đựng đạo lý nhân sinh để chính tôi nghiền ngẫm.
Có những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ "định mệnh” khiến tôi xúc động. Đó là nghị lực của những người dân oằn mình chống chọi với thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh; là những học sinh ở đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn mong được gặp bạn, gặp trường ở quê hương; những trẻ nhỏ vùng biên giới, vùng sâu vùng xa với khuôn mặt nhem nhuốc, mũi chảy xanh lè, run rẩy trong vòng tay mẹ vì chỉ mặc duy nhất một chiếc áo dài tay đã cũ trong ngày đông lạnh giá; hình ảnh đẹp của những người mẹ, người cha ngày đêm lam lũ không sợ nắng, gió, mưa lạnh bám biển để đánh bắt hải sản; bám ruộng vườn để trồng cây bắp, cây lúa, nuôi thêm còn gà con heo… để phát triển kinh tế hộ gia đình, kiếm thêm đồng tiền nuôi con học cái chữ, con số với mong muốn vươn lên thoát nghèo; hình ảnh những những cán bộ trẻ về công tác ở các thôn làng, hay trên vùng biên giới luôn vươn lên vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ là những cán bộ có trách nhiệm với cộng đồng, phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong công tác vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng xây dựng thôn làng văn hóa cộng đồng, xây dựng nông thôn mới… Và rất, rất nhiều những tấm gương vượt khó vươn lên để thành công; những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng.
Hình ảnh đẹp của nữ già làng Ksor H’Lâm (Chư Prông, Gia Lai) “dắt bà con bước qua lời nguyền” vận động người dân bỏ đi các tập tực lạc hậu để phát triển kinh tế hộ gia đình, học con chữ, vươn lên thoát nghèo; nữ Bí thư Chi bộ Đinh Thị Xắc (Dân tộc Ba Na) được bà con dân làng Bung Bang Hven (Yang Bắc, Đắk Pơ) suy tôn là người có uy tín, hai nhiệm kỳ qua 100% đảng viên (23/23 đảng viên) bỏ phiếu bầu làm bí thư chi bộ, cũng hai nhiệm kỳ qua chi bộ làng Bung Bang Hven được công nhận: Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là cán bộ có trách nhiệm hơn với cộng đồng, phát huy vai trò, ảnh hưởng tích cực của mình trong công tác vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng xây dựng thôn làng văn hóa cộng đồng, xây dựng nông thôn mới; chuyện anh H’Riu thôn trưởng Đê Kôn (Hà Ra- Mang Yang) đã xắn tay áo, lấy cuốc cào đất và huy động thanh niên làng ra mở đường cho xe thông tuyến… để lại cho tôi những tình cảm, những ấn tượng khó quên trong con đường làm báo.
Từ các chuyến đi ấy, những cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, những người anh, người chị, người em, những bác nông dân, những thầy cô giáo cắm thôn làng, những già làng, trưởng thôn tôi đã gặp ấy đến nay vẫn giữ liên lạc, gọi điện thăm hỏi sức khỏe, gia đình, động viên tôi trong công việc, thỉnh thoảng lại được nghe câu "lâu không thấy nhà báo đến công tác”, nghe ấm áp trong lòng. Đây chính là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục nhiệt huyết công việc, nỗ lực hơn nữa để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề, cho bạn đọc.
Cảm ơn nghề báo đã cho tôi và đồng nghiệp nhiều trải nghiệm đặc biệt, thậm chí cả những thử thách để tôi tự khám phá, vượt qua những giới hạn và cả tuổi tác của bản thân. Tự hào với nghề, những người làm báo chúng tôi luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn cố gắng giữ gìn "tâm sáng, lòng trong, bút sắc”./.
Lê Quang Hồi
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-viet-va-tich-luy-trau-doi-them-kien-thuc-ban-linh-cua-nguoi-lam-bao-a28779.html