Tới nay đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều làng quê đã hồi sinh ngành nghề truyền thống của địa phương và tăng thêm giá trị nhờ phát triển du lịch.
Là một trong những địa phương đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, TP.HCM đã xây dựng và quy hoạch phát triển các làng nghề gắn với du lịch. Các điểm đến du lịch nông nghiệp ở TP.HCM đã có sự quan tâm đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Tại đây có một số làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển có thể gắn kết phát triển du lịch như làng muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Đây là những làng nghề truyền thống đã hình thành và phát triển hơn 100 năm. Bên cạnh đó còn có những làng nghề mới hình thành và phát triển như làng nghề mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh; làng nghề nuôi chim yến xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ… Những làng nghề này có khả năng gắn kết hoạt động sản xuất với phát triển du lịch.
Hiện nay, mỗi năm, lượt khách quốc tế đến thành phố bình quân đạt 7-8 triệu lượt du khách, lượt khách nội địa khoảng 29-32 triệu lượt người, rất thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu tour du lịch sinh thái trải nghiệm. Đồng thời, gắn kết với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái để trở thành các tuyến, tour du lịch mới.
Các huyện ngoại thành của TP.HCM còn có nhiều mô hình khai thác thế mạnh của nông nghiệp nông thôn với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng nhiều ý kiến cho rằng du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Nhiều sản phẩm sao chép giống nhau gây ra sự cạnh tranh giữa các địa phương. Cùng với đó, chưa đưa sinh kế và môi trường vào phát triển du lịch cộng đồng như ở một số điểm du lịch.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo quyền lợi cho du khách chưa được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát. Từ đó tránh rủi ro, đảm bảo an toàn dành cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Tình trạng phát triển du lịch chụp giật, không chuyên nghiệp và không đưa cộng đồng vào tham gia là một vấn đề đáng lo ngại. Để xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam, cần sự hợp tác giữa các ngành liên quan với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp người dân kiến thức làm du lịch nông nghiệp.
Cùng với đó là xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng tốt, đảm bảo an toàn; nâng cao chất lượng các điểm lưu trú để du khách có nhiều trải nghiệm, tương tác với đời sống của người dân địa phương. Ngoài ra, cần thiết đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị thu nhập và chất lượng sản phẩm.
Một trong những giải pháp là cần ưu tiên thành lập hợp tác xã, trong đó có các tổ dịch vụ. Xây dựng các dòng sản phẩm dựa trên các sản phẩm bản địa đặc sắc, sau đó, dùng sức mạnh cộng đồng để hỗ trợ các homestay hoàn thiện quy chuẩn phát triển sinh kế. Cùng với đó là thiết lập mạng lưới kết nối giữa nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm tạo sự tin tưởng trong quan hệ thương mại; đào tạo cho những người nông dân biết cách truyền thông.
Nông nghiệp sinh thái là giải pháp để không chỉ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, còn thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển du lịch cũng như các hoạt động Văn hóa xã hội khác. Tuy có lợi thế phát triển về du lịch nông thôn song đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ ở TP.HCM, do đó nhà quản lý cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược để có lộ trình thực hiện. Từ đó sẽ tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch.
Mặt khác, TP.HCM cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn vào trong tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch thành phố. Đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Đó là tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho du khách.
Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Cùng với đó, việc tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch là một trong những ưu tiên cần kíp.
P.V