Năm 2024, thể thao Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở các sự kiện lớn như như Đại hội Thể thao trong nhà và võ thuật lần thứ 6 tại Thái Lan (dự kiến vào cuối năm 2024); Thế vận hội Olympic mùa hè 2024 tại Pháp (26/7 - 11/8/2024); Thế vận hội Paralympic 2024 mùa hè tại Pháp (28/8 - 8/9/2024), các giải đấu trong hệ thống tính điểm của các môn thể thao chuẩn bị cho Olympic, Paralympic tại Pháp năm 2024 và các sự kiện thể thao quốc tế khác.
Đặc biệt năm 2024, Việt Nam đảm nhận vị trí chủ trì Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị quan chức cấp cao về thể thao ASEAN (SOMS và AMMS) 2024 - 2025. Cùng với đó là nhiệm vụ tổ chức các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao.
Để chuẩn bị tham gia các sự kiện thể thao quốc tế trên, nhiều các hoạt động đối ngoại về thể dục thể thao đã, đang được triển khai thực hiện. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục TDTT ban hành hơn 140 quyết định cử các đoàn cán bộ, công chức, viên chức, vận động viên, huấn luyện viên tham gia thi đấu, tập huấn và công tác tại nước ngoài với khoảng 1.202 lượt người; Đón 05 đoàn hợp tác với 170 người. Các hoạt động đoàn ra, đoàn vào cũng như, các hoạt động đối ngoại về thể dục thể thao được thực hiện theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, hợp tác phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực.
Xác định rõ các hoạt động đối ngoại về thể dục thể thao góp phần truyền tải, quảng bá, giới thiệu về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ ngoại giao văn hóa. Trong quan hệ hợp tác song phương, đa phương, hoạt động hợp tác quốc tế về thể dục thể thao tập trung chủ yếu với các nước ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Tong đó, phối hợp với ASEAN và đối tác Nhật Bản tổ chức Hội thảo ASEAN – Nhật Bản về bình đẳng giới trong thể thao; Đón đoàn Đại học Seijo, Nhật Bản sang nghiên cứu thu thập thông tin và phỏng vấn các nhóm đối tượng về Bình đẳng giới trong thể thao; Làm việc với lãnh đạo Sở Thể thao Quảng Tây; Đón đoàn Xe ô tô thể thao tự lái Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc vào giao lưu tại Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác về thể dục thể thao với khối ASEAN dưới các hình thức họp, hội thảo, góp ý kiến các văn bản hợp tác của ASEAN. Ngoài ra, còn có các hoạt động tham dự họp, hội thảo chuẩn bị cho các Đại hội Thể thao quốc tế khu vực, châu lục và thế giới, các hoạt động thi đấu, tập huấn tại các nước.
Nhận thức rõ việc đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế trong nước cũng là kênh quan trọng thúc đẩy phát triển thể dục thể thao và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thể dục thể thao, Cục TDTT đã phối hợp với Đại sứ quán Bỉ, Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức Chương trình “Đào tạo Kỹ thuật Huấn luyện Tinh thần cho Huấn luyện viên các Đội tuyển Thể thao Quốc gia” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8 và 11/5; Phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức buổi giới thiệu và trả lời câu hỏi phỏng vấn của Tổ chức tư vấn Portas về viêc Bóng đá vì mục tiêu phát triển bền vững; Tham gia Nhóm làm việc mở, Công ước chống doping của UNESCO; thành lập nhóm công tác xây dựng báo cáo quốc gia giai đoạn 2022-2023 thực hiện Công ước UNESCO về phòng, chống doping trong thể thao cũng như tổ chức trao đổi với đoàn Nghị sỹ EU về khả năng hợp tác trong lĩnh vực TDTT…
Điểm nhấn trong công tác đối ngoại về TDTT trong 6 tháng đầu năm đó là Cục TDTT đã ban hành Quyết định thuê 19 chuyên gia nước ngoài (đến từ các nước như: Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Pháp, Indonesia, Nhật, Brazil, Uzebekistan, Bulgaria và Tây Ban Nha) huấn luyện cho các đội tuyển gồm: Bóng đá, Futsal nam, Boxing, Boxing trẻ, Wushu, Kiếm, Điền kinh, Cử tạ trẻ, Bắn súng, Bắn cung, Bóng chày, bóng mềm, Sailing trẻ, Cầu lông, bóng đá nữ trẻ, Teakwondo. Đây là mảng công tác vô cùng quan trọng đối với các đội tuyển thể thao thành tích cao, đặc biệt là trước thềm những sự kiện lớn sắp diễn ra.
Thực tế cho thấy, các hoạt động đối ngoại liên quan đến thể thao được thực hiện thông qua kênh ngoại giao ngày càng rõ nét. Chính vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2024, hoạt động đối ngoại về thể dục thể thao sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Cục TDTT sẽ rà soát, triển khai các Thỏa thuận hợp tác đã ký và còn hiệu lực; hoàn thiện, trao đổi và đi đến ký kết các Bản thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài:
Cùng với đó là tăng cường hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có quan hệ hợp tác tốt, đồng thời thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về thể thao, các quốc gia và vùng lãnh thổ có thế mạnh về thể thao của khu vực, châu lục và thế giới nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ; nguồn lực tài chính cũng như về con người.
Hoạt động đối ngoại về thể dục thể thao cũng sẽ tập trung chuẩn bị kế hoạch triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN trong vai trò chủ trì SOMS và AMMS năm 2024, 2025; Tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao và các Hội nghị liên quan…
Theo Cục Thể dục Thể thao
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cong-tac-doi-ngoai-cua-cuc-tdtt-duoc-trien-khai-tich-cuc-da-dang-a28602.html