Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật đã có lịch sử hình thành lâu đời và gắn bó mật thiết, gần gũi của người dân… Thông qua nghệ thuật thư pháp giúp cho người chơi hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của từng con chữ; qua đó rèn tính, dưỡng tâm và hướng đến sự cân bằng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thư pháp còn là một môn nghệ thuật để thể hiện tâm tư, tình cảm của con người, chứa đựng giá trị truyền thống dân tộc, mang tính giáo dục về đạo đức, nhân sinh quan trong cuộc sống.
Đại diện Bảo tàng TPHCM cho biết, sinh hoạt chuyên đề “Thư pháp Việt - Tâm hồn Việt" là một trong chuỗi hoạt động nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2024 với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”. Chương trình sinh hoạt chuyên đề còn nhằm giới thiệu đến khách tham quan trong và ngoài nước cũng như người dân TPHCM, đặc biệt là học sinh, sinh viên về Thư pháp - một môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời của Việt Nam.
Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, du khách và sinh viên được tham quan phòng trưng bày Văn hóa Sài Gòn - TPHCM vừa được Bảo tàng đưa vào phục vụ du khách từ tháng 2 năm 2024. Sau đó, khách tham quan và sinh viên nghe những chia sẻ của ThS. Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng bộ môn Du lịch, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng về nguồn gốc, giá trị của thư pháp chữ Việt; khái quát về nguồn gốc của thư pháp, sơ lược thư pháp Đông - Tây, thư pháp Việt từ truyền thống đến hiện đại và thư pháp chữ Việt trong đời sống đương đại… Qua đó, người nghe thấy được ý nghĩa, vai trò của thư pháp chữ Việt trong lưu giữ giá trị hồn văn hóa dân tộc Việt; thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy chữ Việt, nét đẹp của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.
Cũng trong chương trình, sinh viên đã tham gia trải nghiệm viết thư pháp và trình bày, giới thiệu ý nghĩa các chữ Việt trong tác phẩm thư pháp của mình.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-tang-tphcm-to-chuc-chuong-trinh-sinh-hoat-chuyen-de-thu-phap-viet-tam-hon-viet-a28452.html