Phóng viên: Nghệ nhân có thể mô tả quá trình để trở thành một thanh đồng?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Nghi thức hành lễ trình đồng, mở phủ là một nghi thức được xem là nghi thức tối cao nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, là sự khẳng định đồng nhân với thánh Mẫu đình thần Tam Tứ Phủ. Nguyện cắt tóc làm tôi, nối đời làm con với nhà Thánh để từ đây nguyện cầu cho quốc thái dân an, sống tốt đời đẹp đạo.
Sau khi hoàn tất những nghi thức mở phủ này, đủ ở 4 phủ, 4 chum choé đã được mở, 4 trứng đã được bóc, đồng tân được nhận lĩnh đủ 4 khăn, 4 trứng, 4 ngân lượng, 4 tài lộc ở 4 phủ về đến nhà đồng tân ăn đủ 4 trứng, gạo cho vào nấu cháo ăn hết thì được xem là tân đồng. Từ đây, tân đồng sẽ theo thầy để tu tập tịnh tấn, hành đạo cho đúng phép, giữ được lề lối của nhà thánh, sống tốt đời đẹp đạo. Sau thời gian 3 năm thử lính, 9 năm thử đồng thì tiến tới 1 nghi thức đại đàn trong Tứ phủ là lễ tạ ơn phật thánh tạ thầy, cấp sắc thanh đồng. Từ đây các thanh đồng có thể đủ duyên để đi hành đạo, khai hồ, mở phủ, nhận đệ tử.
Phóng viên: Nghệ nhân nghĩ gì về tầm quan trọng của thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại? Theo Nghệ nhân, đạo Mẫu có những ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng và gia đình của Nghệ nhân?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Tinh thần yêu nước, thương dân ấy được sử sách ghi lại bởi những thần tích, để rồi nhân dân dựa vào đó mà sáng tạo nên các lễ hội và hình thức diễn xướng “hầu đồng” (hay còn gọi là “hầu bóng”). Niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, niềm tôn kính vô bờ với các vị anh hùng dân tộc (khi sinh là tướng, khi khác hiển thần) đã khiến tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Thông qua hình thức “hầu đồng”, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến với những ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn đồng thời mang lại cho họ sức mạnh niềm tin với cái thiện.
Thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam được hình thành và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, cũng có lúc thăng trầm nhưng sức sống của tín ngưỡng không thời kỳ nào ngưng. Đặc biệt, trong giai đoạn xã hội Việt Nam hiện đại càng phát triển hơn. Vẫn có sự “cha truyền con nối” và lớp lớp các vị truyền nhân, trưởng bối giữ hồn, giữ cốt cho tín ngưỡng. Và với những ghi nhận đó, ngày 01/12/2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Điều này cho thấy tầm quan trọng và giá trị của nền văn hóa tín ngưỡng này trong đời sống tinh thần và xã hội Việt Nam.
Đạo Mẫu không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa dân gian Việt Nam. Đạo Mẫu mang lại sự kết nối giữa con người với tinh thần, giữa cá nhân với cộng đồng, tạo nên một sức mạnh tinh thần vững mạnh cho mọi người. Đối với gia đình của nghệ nhân, việc thực hành tín ngưỡng Mẫu không chỉ là nghi lễ mà còn là sự gắn kết tinh thần giữa các thế hệ, là nguồn cảm hứng, niềm tin và sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Phóng viên: Nghệ nhân có thể chia sẻ một số trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình thực hành tín ngưỡng của mình? Thời gian 1 năm Nghệ nhân thực hành bao nhiêu lần, như thế nào, chi phí ra sao?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Quá trình thực hành tín ngưỡng của bản thân có rất nhiều trải nghiệm, nhưng trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với tôi đó là vào ngày 24/02/2024 vừa qua khi bản thân và đồng nghiệp tổ chức buổi sinh hoạt, thực hành tại Miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ (thuộc thôn Bàu, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Buổi thực hành thu hút hàng trăm du khách, người dân địa phương tham dự. Trong suốt quá trình đó, du khách và người dân luôn vui tươi, phấn khởi, hò reo, cổ vũ theo từng giai điệu của giá hầu.
Mỗi năm tổ chức theo đầu trình - cuối tạ (tức là đầu năm ra trình để xin bề trên ban lộc tài, sức khỏe, quốc thái dân an, cuối năm là lễ cảm tạ, biết ơn). Ngoài ra còn có các giá hầu theo ngày lễ tại các miếu hay điện… Để chuẩn bị cho buổi lễ lên đồng thì các ông đồng, bà đồng phải lo bày biện, trang trí ban thờ như: hoa quả, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước,…; đồ vàng mã để dâng cúng các vị thần linh; quần áo trang phục các giá hầu; mời cung văn, thầy cúng, hầu dâng... Chi phí mua sắm để thực hành giá hầu do bản thân và người dân phát tâm (không bến tướng nhằm mục đích trục lợi). Từ những chi phí đó thì sẽ tu bổ, tôn tạo lại các miếu, điện thờ, làm các việc thiện nguyện đến những hoàn cảnh khó khăn, từ đó giúp họ có động lực để vươn lên trong cuộc sống, sống có ích với xã hội.
Phóng viên: Nghệ nhân có thấy hiện tượng nào thể hiện biến tướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không? Cụ thể. Biện pháp khắc phục?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Tình trạng thương mại hóa đạo Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp vốn có của nó. Vẫn còn có chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu là để kiếm tiền, khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng do lợi dụng và lừa bịp nhiều người khác. Tình trạng này không phải là ít. Một số người tự phong cho mình là “hầu đồng” nhưng chưa qua các lớp thực hành tín ngưỡng và chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương nhưng đã tự “mở phủ’, lập điện… Mặc trang phục không đúng chuẩn mực; biểu diễn hát chầu văn tại nơi công cộng; các giá hầu chi phí quá cao làm mất đi bản sắc vốn có của di sản.
Về biện pháp khắc phục, theo tôi các cơ quan chức năng cần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này sớm nhất. Cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn nữa để chấm dứt việc này. Cần tuyên truyền sâu rộng để người dân biết được việc mê tín dị đoan đó. Cần có kế hoạch bảo tồn và quản lý tốt hơn nữa… Tóm lại, để góp phần định hướng, bảo tồn và gìn giữ những giá trị nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trước hết các nghệ nhân, ông, bà đồng phải gương mẫu, thực hành nghi lễ phải chuẩn mực giữ đúng tập tục xưa; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện sai lệch. Các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hóa cần phải xây dựng một thiết chế, hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng để quản lý và định hướng hoạt động các điện thờ tư nhân và các cơ sở hoạt động tín ngưỡng.
Phóng viên: Theo Nghệ nhân, làm thế nào để phát huy được Tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các nhà quản lý và cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu, chầu văn như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu lên đồng giữa các đền các phủ. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó cũng cần phải xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan… Có như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.
Phóng viên: Việc thực hành có nên đưa lên sân khấu không? Làm thế nào để vừa giữ được tính thiêng, vừa làm cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa được trong xã hội, thưa Nghệ nhân?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Việc sân khấu hóa hầu đồng vốn dĩ là việc làm nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng nhân dân những nét đẹp, giá trị của trình diễn hầu đồng. Hơn nữa nhằm mô phỏng một cách thận trọng, tỉ mỉ những đặc trưng tiêu biểu của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt. Tuy nhiên, khi việc tiến hành sân khấu hóa được tổ chức tràn lan thì vô tình khiến cho tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bị “biến dạng” và mất đi giá trị đích thực vì nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ.
Việc khai thác và tiếp lửa di sản văn hóa này là một việc nên làm, và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, làm sao để bảo tồn, quảng bá nghi thức cho phù hợp với đời sống đương đại, mà không làm mất đi giá trị linh thiêng vốn có, thì phải hiểu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều giá trị đặc sắc nên việc khai thác, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa mới thuộc hình thức nghệ thuật khác là chuyện bình thường và nên làm, bởi đây cũng là một cách giới thiệu di sản, làm cho di sản thêm sức sống. Điều này cũng giúp cho cộng đồng cơ hội tham gia những sáng tạo đó để nhận diện những giá trị văn hóa cốt lõi của họ, để không bị mai một, sai lệch. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần có những quy định rất chặt chẽ đối với việc quảng bá di sản. Đồng thời, trước khi tiến hành quảng bá di sản, phải hiểu được cặn kẽ di sản và biết ứng xử đúng khuôn phép, để không biến việc quảng bá di sản trở thành giải tỏa những nhu cầu tầm thường của đời sống.
Phóng viên: Thưa Nghệ nhân, vậy có nên sáng tác các điệu hát, múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không? Ai có thể làm việc này?
Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên: Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hình thức tín ngưỡng dân ở Việt Nam, có nguồn gốc sâu xa từ tục thờ Mẹ của cư dân nông nghiệp nhằm đề cao vai trò, chức năng thiêng liêng của người phụ nữ trong cuộc sống. Trong đó, hát chầu văn là một thể loại âm nhạc gắn chặt với tín ngưỡng này, được xem như một thành tố không thể thiếu khi thực hiện các nghi lễ hầu bóng. Chầu văn có nhiều cách gọi khác nhau, miền Bắc gọi là hát văn, miền Trung gọi là hát chầu văn hoặc hầu văn, miền Nam gọi là rỗi bóng.
Vì vậy, theo tôi việc sáng tác các điệu hát, múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là cần thiết nhưng phải phù hợp với từng vùng miền và phải dựa trên cơ sở kế thừa vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc để phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu. Nó mang những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc, vừa thể hiện nhu cầu thẩm mỹ vừa thể hiện ước vọng tâm linh của con người trong cuộc sống.
Việc sáng tác các điệu hát, múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu phải được thực hiện bởi những người thực sự hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và cần phải có cơ quan chức năng thẩm định để đảm bảo tính phù hợp và tôn trọng đối với truyền thống và giá trị tâm linh của tín ngưỡng này.
Phóng viên: Xin cảm ơn Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Nguyên!
P.V (thực hiện)