Phóng viên: Nghệ nhân có thể giới thiệu đôi nét về mình?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Năm tôi sinh ra được 3 tháng tuổi thì bố mất sớm. Thời đó gia đình vô cùng khó khăn, một mình mẹ phải gánh vác. Mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi 3 chị em ăn học. Trong quá trình lớn lên, tôi vừa đi học vừa đi làm thêm để phụ giúp gia đình.
Năm tôi lên lớp 6, cảm thấy bản thân có gì đó “khác người”, không thích chơi cùng bạn bè trang lứa với những trò chơi tuổi thơ bình thường. Cứ mỗi lần đi qua nơi nào có cúng bài, đền điện, miếu mạo là tôi lại muốn vào xem, rồi bắt chước các ông thầy cúng. Sau đó, về nhà tôi lại tự lấy đất sét để nặn thành tượng và tập thờ cúng. Cứ như vậy đến năm lớp 7, gia đình quá vất vả nên mẹ tôi phải vào miền Nam đi làm thuê, chỉ có một mình tôi ở nhà. Bỗng một hôm, tôi được các ngài ân chiêm báo mộng, ấn đồng cho mình ra làm việc thánh. Lúc đó còn nhỏ nên tôi không hiểu đó là cái gì, nhưng tự nhiên bản thân lại biết xem quẻ, thờ tự. Một thời gian sau, nhiều người biết và tìm đến tôi để xem, không chỉ trong làng xã mà còn nhiều khách thập phương ở xa.
Được các ngài báo rằng tôi có nhân duyên về cửa Bà chúa Cà Phê - Đền Thờ Chúa Bói Lạng Sơn, nên tôi đi một mình ra tận đó theo sự chỉ bảo của các ngài. Lúc ra tới nơi, tôi chưa vào đền, mà được các ngài dẫn đến một ông thầy (86 tuổi), trình bày với thầy rằng mình có các biểu hiện như vậy thì thầy bảo tôi có duyên lớn với cửa thánh, là con của các ngài, con của Mẫu, phải ra trình đồng mở phủ, cung phụng phật thánh theo đạo pháp.
Thời bấy giờ còn nhỏ, tôi không có điều kiện về kinh tế nên thầy sẵn sàng giúp tôi mở phủ. Khi tôi tạ phủ được 3 năm thì thầy mất. Đến năm 2015 tôi về nhà, theo sự chỉ dẫn của thầy thì tôi cung phụng các ngài, thờ điện và làm việc tâm linh. Năm 2017 tôi chính thức xây điện.
Phóng viên: Nghệ nhân nghĩ gì về tầm quan trọng của Thực hành tín ngưỡng Mẫu trong xã hội Việt Nam hiện đại? Theo Nghệ nhân, đạo Mẫu có những ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng và gia đình của Nghệ nhân?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét đẹp văn hóa, tôn vinh người phụ nữ. Ngày xưa, thời phong kiến thì còn tư tưởng trọng nam khinh nữ thì người nữ không được công nhận nhiều. Mẫu - đạo chủ, giáng sinh ở Việt Nam để giúp dân về nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thêu thùa, chữa bệnh… Sau khi mẫu hóa về trời, tất cả công đức của Mẫu làm khiến cho nhân dân cảm kích, tôn thờ như một người mẹ vĩ đại - mẫu nghi thiên hạ.
Đối với người Việt Nam, Mẫu là một người mẹ vô cùng thân thương, đức độ và dũng cảm, có tầm ảnh hưởng rất lớn, không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Ở nước ta có nhiều đạo giáo khác nhau, nhưng cái gốc chính vẫn là đạo Mẫu, là sự kết nối tâm linh, giải tỏa được mong muốn của nhân dân.
Tôi có niềm tin vô cùng lớn đối với Mẫu, đối với tôi đạo Mẫu không thể tách rời trong cuộc đời mình. Đạo Mẫu giáo dục chúng ta về đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ đến công ơn của Mẫu đã làm cho nhân dân bá tánh. Bản thân tôi trải qua nhiều bế tắc, thử thách, gian nan trong cuộc sống nhưng hiện tại có được sức khỏe, trí tuệ và hạnh phúc như vậy là nhờ sự linh hiện, thiêng liêng của Mẫu đã độ cho mình. Mẫu giúp tôi vượt qua được nhiều cám dỗ, khiến bản thân trở nên kiên cường hơn.
Phóng viên: Nghệ nhân có thể chia sẻ một số trải nghiệm đáng nhớ trong quá trình Thực hành tín ngưỡng của mình? Thời gian 1 năm Nghệ nhân thực hành bao nhiêu lần, như thế nào, chi phí ra sao?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Khi tôi bước vào con đường tâm linh, xảy ra rất nhiều biến cố gia đình, hồi đó nhiều người bảo rằng tôi bị ma ám, điên khùng, không được bình thường nên tôi rất mệt mỏi vì điều đó. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng phản đối việc làm của tôi vì thường xuyên tụ tập đông đúc người dân. Nhưng tôi vẫn một lòng nhất tâm thờ phụng các ngài, quyết không từ bỏ. Sau đó, Mẫu giáng điện về, tức là bề trên báo cho tôi biết về sự tích của các ngài, nói tôi giải thích cho chính quyền hiểu rằng đây không phải là mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng tâm linh, gốc đạo của người Việt Nam. Từ đó, chính quyền không còn cấm cản tôi thực hành tín ngưỡng nữa.
Cách đây khoảng 5 năm, do gặp nhiều thị phi và tai tiếng nên có một thời gian tôi bị chán nản và quyết định vào Nam sinh sống, làm công việc Bartender (Pha chế). Sau khi học nghề xong, mới bắt đầu vào làm không lâu thì tôi đổ bệnh nặng, người rất yếu, đi khám nhiều nơi nhưng không chẩn đoán ra được căn bệnh mà tôi gặp phải là bệnh gì.
Với một thanh niên trai tráng cao hơn 1m7 mà lúc lâm bệnh tôi chỉ nặng vỏn vẹn chưa đến 45kg. Sức khỏe ngày càng yếu đi, những tưởng rằng không qua khỏi, gia đình đã chuẩn bị hậu sự, huyệt mộ đầy đủ cho tôi. Sau đó may mắn tôi được các ngài báo rằng, bản thân tôi có nhân duyên là con cửa thánh thì phải phụng theo cửa thánh. Tức là trước khi muốn làm công việc gì đó, tôi phải lo việc thánh cho trọn vẹn đã. Vì vậy, tôi đã trở về quê theo sự chỉ bảo của các ngài, một lòng cung phụng nhờ Mẫu. Tôi chỉ xin các ngài, nếu tôi ra đi thì hãy cho tôi đi được thanh thản, nhẹ nhàng, còn nếu được sống thì hãy cho tôi sống bình yên, khỏe mạnh. Từ đó, sức khỏe tôi dần hồi phục mà không phải điều trị thuốc Tây, chỉ uống mỗi nước lá. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng vi diệu và đáng nhớ nhất trong cuộc đời từ trước giờ, tất cả là nhờ ơn của Mẫu.
Thời điểm hiện nay, cuộc sống của tôi vẫn còn gặp một số thử thách, nhất là về đồng ngân đồng xuyến để lo việc thánh. Ví dụ như kinh phí xây điện, hương khói, phụng cúng, làm các công tác thiện nguyện…
Ngoài công việc tâm linh, tôi vẫn buôn bán kinh doanh bên ngoài, từ công sức của mình để kiếm thêm tiền trang trải đền điện, hầu thánh, không lấy tiền mồ hôi nước mắt của bá tánh. Khi nào có đồng ngân đồng xuyến thì tôi cũng hướng đến giúp đỡ người dân ở địa phương nơi tôi sinh sống, những hộ nghèo, các cụ già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn.
Một năm, nếu ổn định thì tôi hầu 4 - 5 vấn, cũng có khi nhiều hơn thì tầm 15 vấn hầu. Mọi kinh phí về thực hành tín ngưỡng vừa là từ tiền bản thân tôi bỏ ra, bên cạnh đó còn tùy tâm của nhân dân đến với bản điện, sự đóng góp của con nhang đệ tử. Mỗi vấn hầu có thể từ 60 - 70 triệu, vấn ít hơn thì 30 - 40 triệu.
Phóng viên: Nghệ nhân có thấy hiện tượng nào thể hiện biến tướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không? Cụ thể, biện pháp khắc phục?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Ngày xưa, khi mạng xã hội chưa phát triển thì có thể chúng ta chưa thấy nhiều các hiện tượng biến tướng trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhưng với thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hiện tượng đó ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều trên các nền tảng facebook, tiktok, thậm chí là cả thực tế bên ngoài… Người ta lợi dụng việc tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để trục lợi kiếm tiền thông qua bói toán, dọa dẫm người dân nhẹ dạ cả tin. Nhiều người lấy danh của Mẫu để kiếm những đồng tiền bất chính.
Tôi mong muốn sự vào cuộc của nhà nước, thường xuyên kiểm tra không gian mạng, ngăn chặn các vấn đề bói toán, dọa dẫm về mặt tâm linh. Bên cạnh đó, các đền, điện, phủ cũng cần có sự kiểm soát của chính quyền, hướng dẫn cho nhân dân nơi đó đi đúng phương hướng ở mức tín ngưỡng chứ không được mê tín dị đoan, cúng bái tràn lan gây lãng phí.
Bản thân tôi luôn hướng dẫn người dân hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu, đưa mọi người vào tín tâm thờ Mẫu, hiểu về luật nhân quả, tuyệt đối không dọa dẫm, mê tín dị đoan. Trong cuộc đời phụng sự việc thánh, tôi luôn giữ vững cái tâm của mình, một lòng cống hiến cho đạo pháp, giữ gìn tín ngưỡng thờ Mẫu - bản sắc văn hóa của dân tộc.
Phóng viên: Theo Nghệ nhân, làm thế nào để phát huy được Tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội ngày nay?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Để phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu, theo tôi, mỗi thành phần cá nhân thanh đồng phải có luôn tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thông qua sách vở, báo chí… về nguồn gốc lịch sử tín ngưỡng để hiểu sâu, hiểu rõ và hướng dẫn, truyền đạt cho bá tánh, cho thế hệ sau. Điều đó giúp bảo tồn, không làm mai một tín ngưỡng thờ Mẫu.
Phóng viên: Việc thực hành có nên đưa lên sân khấu không? Làm thế nào để vừa giữ được tính thiêng, vừa làm cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lan tỏa được trong xã hội?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Tín ngưỡng thờ Mẫu vô cùng thiêng liêng, đại diện cho nền văn hóa của một dân tộc, vì vậy chỉ nên thực hành ở đền, điện trang nghiêm, thanh tịnh. Không nên đưa lên biểu diễn trên sân khấu giống như một tiết mục văn nghệ, bởi làm vậy thì tín ngưỡng sẽ không còn được tôn trọng, cung kính.
Để giữ được tính thiêng liêng của tín ngưỡng, theo tôi đối với những người con của thánh phải phổ biến kiến thức cơ bản, chuẩn cho nhân dân địa phương ở đó. Bên cạnh đó, không nên lạm dụng trang mạng xã hội để phô bày, phô trương những vấn đề tâm linh, hay tiền bạc, sự sang trọng… Đặc biệt, bản thân đồng thầy, thanh đồng phải có đạo đức, lương tâm thì người ngoài nhìn vào mới có niềm tin về sự linh thiêng của đạo Mẫu.
Phóng viên: Có nên sáng tác các điệu hát, múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không? Ai có thể làm việc này, thưa Nghệ nhân?
Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc: Những làn điệu hát văn là những điệu hát ngày xưa các cụ sáng tác nhằm ca ngợi thánh tích, tưởng nhớ đến công lao của các vị thánh, và những công trạng của các ngài đã hiển thánh cõi trần của mình để giúp dân, giữ yên bờ cõi nước nhà. Vì vậy, theo tôi không nên sáng tác mới, mà phải giữ lại bản thể của nó, nếu làm mới thì sẽ ngày càng làm mai một đi tín ngưỡng. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng các thủ nhang đền nên hướng dẫn và đưa ra quy định về việc hát văn, hay điệu múa cốt lõi để các con nhang đệ tử nắm rõ, không làm sai lệch.
Phóng viên: Xin cảm ơn Nghệ nhân Đoàn Văn Bắc.
Như Yến (thực hiện)