Chương trình thực hiện tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum) và Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (TPHCM).
Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định…
Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng…
Tham dự tại đầu cầu Kon Tum có các đồng chí: Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang.
Tham dự tại đầu cầu Điện Biên có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường…
Tham dự tại đầu cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” là chương trình quy mô lớn, với ê kip thực hiện khoảng 500 người và sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên trực tiếp biểu diễn tại 5 điểm cầu. Các nội dung tại 5 điểm cầu ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca, mảnh ghép nào cũng đều mang ý nghĩa quan trọng. Thông qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng đỉnh cao được tái hiện chân thực và toàn cảnh, không chỉ ở Điện Biên mà còn trên khắp cả nước. Qua đó, truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc.
Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình “Dưới lá cờ quyết thắng” đưa khán giả quay trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá. Trải nghiệm hiện tại trên nền bối cảnh quá khứ, hồi tưởng của các nhân chứng lịch sử, những bài hát đi cùng năm tháng được phối mới... hòa quyện thành một bản hùng ca dẫn dắt khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.
Nếu Điện Biên Phủ là sân khấu chính, truyền tải những nét phác thảo chính của bức tranh của chiến thắng Điện Biên Phủ, thì điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng. Nhân chứng lịch sử đều đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y hoặc chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu. Hà Nội như một điểm cầu đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho kháng chiến.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng, khán giả gặp lại một nhân chứng lịch sử, đã đi qua những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Đó là ông Trần Khôi, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa. Khi đó ông là chàng thanh niên 28 tuổi, lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc, để lại người vợ trẻ với hai con, đứa con trai lớn chỉ mới 4 tuổi, con gái thứ hai mới sinh được khoảng 2 tháng.
Tại điểm cầu Kon Tum, khán giả xem phóng sự về chiến dịch Bắc Tây nguyên và trận đánh tại Kon Brain vào ngày 27/1/1954, có sự xuất hiện của Trung tá Nguyễn Trường Kháng, năm nay 93 tuổi. Ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 803), là một trong những người đã tham gia đánh chiến dịch tấn công đồn Kon Braih. Tấm gương dũng cảm của những chiến sĩ Liên khu 5 áo vải đeo khăn đỏ xả thân chiến đấu.
Còn tại điểm cầu TPHCM là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Về mặt địa lý, miền Nam xa nhất so với chiến trường Điện Biên Phủ nên việc đóng góp trực tiếp về nhân lực, vật chất có thể không bằng các địa phương khác, nhưng thời điểm đó, dựa trên chủ trương phân tán lực lượng của thực dân Pháp ở trên tất cả các mặt trận, đồng bào miền Nam đã tiến công trên cả ba mặt. Mặt trận quân sự: Có rất nhiều trận đánh nhỏ tập trung vào các đồn bốt, tiêu hao hàng nghìn sinh lực địch. Mặt trận chính trị: Phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi và rộng rãi trên khắp miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn - Gia Định, trong đó có tầng lớp trí thức yêu nước. Công tác binh vận: vận động người dân không đi lính cho Pháp, không tham gia vào các lực lượng quân sự của Pháp - điều đó khiến cho nhiều trung đoàn, tiểu đoàn của Pháp xảy ra tình trạng đào ngũ, dẫn đến quân đội của Pháp ở miền Nam Việt Nam gặp nhiều khủng hoảng...
Tham gia biểu diễn tại chương trình có những nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Phạm Thu Hà, Phúc Tiệp, Lê Anh Dũng, Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Y Garia, Rơ Chăm Peng, nhóm Oplus, Anh Bằng, Bencanto…
Theo hcmcpv.org.vn