Địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025- 2035

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa Giáo dục (VHGD) lần thứ 7 diễn ra vào sáng 3/5 tại Nhà Quốc hội. Một trong những nội dung được các đại biểu cho ý kiến tại Phiên họp này đó là dự thảo Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

a664428420-1714787658.jpg
Quang cảnh Phiên họp

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có phạm vi rộng

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với Chương trình.

Theo quy định, nội dung chủ yếu của nghị quyết bao gồm: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, công nghệ chính, địa điểm, thời gian, tiến độ thực hiện, cơ chế và giải pháp, chính sách thực hiện.

Do Chương trình có phạm vi rộng, vì vậy ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các đại biểu làm rõ hơn quan điểm trong tiếp cận, xây dựng Chương trình, phương pháp thiết kế chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng, phạm vi của Chương trình, về nguồn vốn của Chương trình, tổ chức thực hiện…

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, sau khi Chính phủ giao Bộ VHTTDL xây dựng chương trình (tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023), Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành tiến hành đánh giá tác động các chương trình, các tài liệu, tham luận, kiến nghị, tổng kết tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Cùng với đó là Hội thảo khoa học cấp quốc gia năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, kết quả của Hội nghị Tổng kết 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cơ sở nghiên cứu này để xây dựng các nội dung phát triển văn hóa trong Chương trình.

Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước (Quyết định số 1060/QĐ-TTg ngày 14/9/2023) do Bộ trưởng Bộ KHĐT làm chủ tịch Hội đồng. Hội đồng thẩm định nhà nước đã có Báo cáo số 2016/BC-HĐTĐNN về kết quả thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình theo quy định của Luật đầu tư công.

Ngày 17/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về thông qua Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình trên cơ sở kết quả phiếu lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.

"Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP, Bộ VHTTDL đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình (Tờ trình số 165/TTr-CP ngày 17/4/2024 kèm theo Báo cáo số 166/BC-CP)", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.

nguyendacvinhcsdg257357248-1714787705.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh phát biểu mở đầu phiên họp

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước

Cũng theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, dự thảo Chương trình cũng đề ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể gồm: Hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn.

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước; Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa.

Đến năm 2035 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể sau: Phấn đấu 90% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.

100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật; 100% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7%; Hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

a97670625-1714787739.jpg
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy báo cáo tại Phiên họp

Địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

Phát biểu tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đặc biệt là trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp hơn và quan trọng hơn, trong đó, vấn đề chủ quyền văn hóa, an ninh văn hóa, an ninh con người đang được đặt ra vô cùng cấp bách và cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tính đến nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu này, trong đó có nguồn lực con người, cơ sở vật chất, kinh phí, điều kiện.

"Chúng ta cần có lộ trình, bước đi chắc chắn, tránh trường hợp đề ra quá lớn, nhưng khả năng thực hiện không có; nhu cầu có, nhưng khả năng thanh toán không có”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Cụ thể, từ năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành kết luận yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

pho-chu-tich-thuong-truc-qh-tran81831430218698-1714787775.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, qua các ý kiến cho thấy, địa phương nào cũng mong muốn có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhưng trước mắt năm 2024 cần xác định làm gì để tạo tiền đề cho Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2025 - 2035.

Chỉ rõ, Chương trình có dự kiến tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong thời gian dài, có phạm vi tác động lớn, nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và Nhân dân cả nước, để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chu đáo nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị: Ủy ban VHGD phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan kiến nghị với Chính phủ xem xét những nội dung nào lớn, cần xin ý kiến Bộ Chính trị; đồng thời bàn kỹ lưỡng việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn lực như thế nào cho trọng tâm, trọng điểm.

Với tinh thần như vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận, gửi văn bản để các thành viên nghiên cứu kỹ lưỡng, đóng góp cụ thể vào các nội dung có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Trước khi kết thúc phiên họp, các Ủy viên Ủy ban VHGD cũng biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với dự thảo Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035./.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dia-phuong-nao-cung-mong-muon-co-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-van-hoa-giai-doan-2025-2035-a28382.html