Hà Tĩnh: Chương trình Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại đền Thánh Mẫu thành công tốt đẹp

Trong khuôn khổ 1 ngày, Chương trình liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Thánh Mẫu (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã thành công tốt đẹp, để lại cho Ban tổ chức cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tâm linh, bà con nhân dân nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp.

z5402227076665-38a048bf40d85ad88b6309b84a529705-1714645920.jpg
Các nghệ nhân, thanh đồng biểu diễn các giá hầu tại chương trình liên hoan.

Theo đó, ngày 02/5, thực hiện kế hoạch của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hoá Quốc gia phối hợp với UBND xã Xuân Lam tổ chức Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Thánh Mẫu, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân.

Hội tụ về tham dự Liên hoan lần này gồm những nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang, các nhà hoạt động tâm linh, đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. 

z5402227407273-a2c0c484456d1595abf4e501a5f35d6d-1714645920.jpg
Ban tế lễ của đền tiến hành cúng lễ theo nghi thức truyền thống.

Đền Thánh Mẫu tọa lạc trên đỉnh một quả đồi riêng biệt, được nhân dân gọi là Núi Na (thuộc xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), một trong nhiều ngọn của dãy núi Hồng Lĩnh. Đền Thánh Mẫu toát lên vẻ uy nghiêm, trầm mặc, được bao bọc bởi hàng trăm cây cổ thụ rợp bóng mát. Đây là nơi thờ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn, đã sát cánh cùng Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. 

z5404047000358-9be07cbf4060a0b8dd877a3e181f2ad3-1714828691.jpg
z5404046954138-bb773db006cb30e1e1ab4d443a385e17-1714828709.jpg
Giá hầu của nghệ nhân Đoàn Văn Bắc được đánh giá cao vì có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo

Tương truyền, vào tháng 3 năm 1425, Lê Lợi tiến quân vây đánh thành Nghệ An, nhưng giặc Minh ra sức chống giữ quyết liệt. Trước sự chống cự quá lớn của địch, Lê Lợi phải tạm đóng quân doanh tại đền thờ thần Phổ Hộ bên bờ Sông Lam, chờ đợi thời cơ. Một hôm, khi ngủ Lê Lợi đã chiêm bao thấy một vị thần hiện lên, áo giáp vàng lấp lánh, đầu đội kim khôi, nói với nhà vua rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ cho tướng quân diệt được giặc Ngô (tên gọi giặc Minh), làm nên nghiệp đế”. Nói xong, vị thần biến mất. Thái tổ tỉnh dậy cảm thấy người bàng hoàng. Sáng hôm sau nhà vua cho gọi các bà vợ lại, kể cho nghe giấc mộng đêm qua và hỏi: “Trong các ngươi ở đây, có ai chịu đi làm vợ vị thần không? Ta hứa sau khi lấy được giang sơn, sẽ lập con người ấy làm thiên tử”.

z5403939278097-1d6ebb90190f8e236c2dcc535bc95f03-1714829298.jpg
z5402226923742-44cb33f39f598964b5f7d270068e207e-1714645920.jpg
z5403842207144-b9648c36be664eb16af6654df4132a3c-1714828768.jpg
Nghệ nhân Trịnh Thị Thuỳ Linh vẻ ngoài sang trọng, ánh mắt kiêu sa, sắc sảo cùng những động tác uyển chuyển linh hoạt khi hóa thân vào các giá đồng nhận được nhiều lời khen ngợi tại Liên hoan.

Lúc ấy bà Ngọc Trần quỳ xuống tâu: “Nếu minh công giữ lời hứa, thiếp xin nguyện xả thân và ngày sau minh công làm nên nghiệp lớn, xin chớ phụ mẹ con thiếp”. Lê Lợi khen ngợi Ngọc Trần, lòng đầy thương cảm. Sau đó Ngọc Trần trang điểm lộng lẫy để tế thần. Mặc dầu lòng đau như cắt, nhưng Lê Lợi liền sai làm lễ tế thần, Ngọc Trần là phẩm tế. Một trận cuồng phong nổi lên, Ngọc Trần gieo mình xuống sông, đó là ngày 24/3 năm Ất Tỵ 1425).

Sau mười năm kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi xưng vương. Ông nói với quần thần rằng: "Hoàng hậu Ngọc Trần đáng làm chúa tể trăm vị thần ở nước ta”, rồi người hạ lệnh cho quan Tổng quản vào rước thi hài Ngọc Trần về táng ở Thanh Hóa. Một đoàn người dưới sự chỉ huy của quan Tổng quản, lên đường trở lại chốn xưa. Mọi thủ tục được tiến hành, định ngày mai về Thanh Hóa, nhưng đêm xuống, mối núi Na xông lên phủ hết quan tài thành một đống cao như một nấm mồ, mọi người lấy làm lạ và đem chuyện về tâu với vua, Thái Tổ chợt hiểu và nói: Vị thần đã làm theo lời hẹn, các người hãy để quan tài ở đó rồi dựng điện thờ. Điện ấy sẽ được gọi là “Điện Hiến Nhân”. Khi dựng điện xong, Thái Tổ đích thân tới lễ và dựng thêm một cái miếu ở Lam Kinh có đặt thần chủ của hoàng hậu để quanh năm cúng tế. Thái Tổ cấp cho Điện 40 mẫu ruộng từ chân núi Na đến Trảng Kén, đồng thời chuyển một số hộ dân ở Hưng Nguyên xuống làm ruộng và lập nên làng Lộc Điền (lộc ruộng vua ban) ở xã Quả Phẩm (nay là xã Xuân Lam).

8-1714645836.JPG
z5402227241512-6db285980b79cb93a2f54bee3a13e886-1714645920.jpg
Ban tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các nghệ nhân 

Năm 1433, Lê Lợi (lúc này là Vua Lê Thái Tổ) băng hà, Nguyên Long lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tông. Biết ơn người mẹ quá cố đã hy sinh cao cả nên mình mới có ngày hôm nay, Lê Thái Tông truy phong Phạm Thị Ngọc Trần thành Cung Từ Quốc Thái mẫu. Đến tháng 2, năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), ông lại tiếp tục truy tôn mẹ mình thành Cung Từ Quang Mục Hoàng thái hậu, thờ phụng ở Thái Miếu. Về sau người ta đều gọi bà là Cung Từ Cao hoàng hậu và nhiều sắc phong qua các triều đại khác.

Để ghi nhớ công ơn của người “Điện Hiến Nhân” sau này đã được chính quyền và nhân dân làng Lộc Điền (nay thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tôn tạo, xây dựng thành đền thờ có tên gọi là “Đền Thánh Mẫu”. Đến năm Canh Thìn 1880, vua Tự Đức cho trùng tu, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt bằng loại gỗ quý và làm hoành phi câu đối “Tự đức canh thìn niên cúc nguyệt/ Thượng hoàn trùng tu công thoan”.

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo Đền Thánh Mẫu được xây dựng khá khang trang gồm: Cung cấm là nơi có phần mộ của Thánh Mẫu, Tượng Mẫu; Trung điện, Hạ Điện để nhân dân và khách thập phương đến thắp hương chiêm bái. 

Với những giá trị về lịch sử đó, Đền Thánh Mẫu được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là Di tích Lịch sử - văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/08/2005. 

Chương trình Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Thánh Mẫu (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) gồm 11 nghệ nhân, thanh đồng đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh biểu diễn 33 giá hầu nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hoá, giới thiệu quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế những giá trị tinh hoa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.

z5402227006043-5e793d0fcb8de587da7dc6f25a94322c-1714645921.jpg

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân hát văn, thanh đồng, các nhóm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, quảng bá về giá trị văn hoá nâng cao đời sống tinh thần, cũng như để công chúng có một cách nhìn đúng về loại hình nghệ thuật dân gian đa ngành truyền thống của người Việt, hội tụ nhiều giá trị văn hoá khác nhau này.

z5402227114374-51a17137a93b64c6bf4ee1caff9e127c-1714645920.jpg

Liên hoan lần này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đoàn thể và đặc biệt các thanh đồng, nghệ nhân, hát văn và toàn thể nhân dân và du khách thập phương. Liên hoan được Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển - Cơ quan báo chí của Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Chuyên trang Phương Nam bảo trợ thông tin.

Bảo Châu An

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-chuong-trinh-lien-hoan-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-tai-den-thanh-mau-thanh-cong-tot-dep-a28362.html