Tham dự khai mạc có ông Nguyễn Danh Hòa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Trưởng Ban tổ chức; Ông Phạm Quang Hồng, thủ nhang đền Dinh Đô Quan Hoàng Mười, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Trưởng Ban chuyên môn lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; Nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Trưởng Ban tổ chức; Ông Hoàng Văn Kiểm - Phó Giám đốc Trung tâm, Phó Trưởng Ban tổ chức.
Cùng dự có Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh; Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Văn Hiếu; Các Ủy viên BTV Huyện ủy, lãnh đạo các phòng ban cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Đền Thánh Mẫu toạ lạc tại núi Na, thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nơi đây thờ hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, một liệt nữ trung hiếu vẹn toàn đã có công cứu nước. Ngôi đền thiêng có từ thời Hậu Lê, sau khi Lê Lợi xưng vương năm 1428. Phần mộ (hậu am) có từ sau ngày Bà hy sinh năm Ất Tỵ (1425) phần đền xây dựng đầy đủ vào đời vua Lê Thánh Tông (con trai của Phạm Thị Ngọc Trần và Lê Lợi). Bà sinh ra trong một gia đình ở vùng Quần Lai, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo với sự kết hợp hài hoà của các yếu tố nghệ thuật.
Chương trình Liên hoan Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Thánh Mẫu nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hoá, giới thiệu quảng bá đến du khách những giá trị tinh hoa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Việc tổ chức liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt lần này là hoạt động rất ý nghĩa và cũng là dịp để những thanh đồng gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn về nghệ thuật diễn xướng loại hình này. Qua đó, góp phần định hướng cho cộng đồng, đặc biệt là các thanh đồng nhận thức đầy đủ giá trị và thực hành tín ngưỡng theo đúng quy chuẩn phù hợp với thuần phong mỹ tục, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ đó gìn giữ, phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được cộng đồng sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Đây là không gian "sân khấu" tâm linh đặc biệt vừa có ca hát, múa thiêng, diễn xướng, vừa có nghi lễ, cúng tế, ban lộc, phát tài, cầu quốc thái, dân an, nhân khang, vật thịnh.
Chương trình lần này có 10 tiết mục tham gia đến từ các nghệ nhân ưu tú, thanh đồng, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội đền Thánh Mẫu năm 2024, sáng nay UBND xã Xuân Lam cùng Ban quản lý di tích xã đã trang trọng tổ chức lễ giỗ Thánh Mẫu Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần lần thứ 599 và trao giải Hội thi gói bánh chưng.
Lễ giỗ đã diễn ra theo nghi thức cổ truyền của dân tộc với sự thành kính cùng nhiều nghi thức trang nghiêm, mang đậm ý nghĩa đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Theo đó, các vị cao niên đại diện cho bà con nhân dân Xuân Lam thực hiện nghi lễ tế lễ trời đất, để bày tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của đức Thánh Mẫu Hoàng hậu Ngọc Trần và các vị anh hùng với đất nước.
Một số hình ảnh của buổi Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại Đền Thánh Mẫu do phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển ghi lại:
Như Yến