Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự năng động trong quản lý điều hành của đội ngũ lãnh đạo, phẩm chất cần cù chịu khó của người dân nên những năm gần đầy kinh tế - xã hội ở Nam Sơn đã có bước chuyển mình đáng kể.
Hiện tại Nam Sơn đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn ở mức cao 34%, còn gần 40 hộ có nhà tranh tre tạm bợ. Điều này phản ánh đời sống nhân dân còn thấp. Cùng với đó hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cũng còn hạn chế. Hiện tại, gần 10km đường liên thôn vẫn còn là đường đất. Ngày mưa đường lầy lội, ngày nắng bụi bặm gây khó khăn cho người dân trong đi lại cũng như vận chuyển.
Trong sản xuất nông nghiệp hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, nhất là các đập tạm, đạp đe đất không đảm bảo an toàn và lượng nước. Tuy nhiên, xã cũng nhận được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên. Nam Sơn có Quốc lộ số 7 sang Lào chạy qua, có con sông Lam uốn lượn ôm gần trọn xã, có các bãi ngô dâu tốt tươi bốn mùa, người dân Nam Sơn lại cần cù chịu khó. Nắm được những khó khăn, thuận lợi từ đó có các biện pháp sát thực để phát triển đó là bí quyết giúp Nam Sơn ngày một đi lên.
Những ưu đãi của thiên nhiên được xã tận dụng tối đa để phát triển kinh tế. Vì thế giờ đây đến Nam Sơn, bên cạnh khung cảnh thiên nhiên hữu tình người ta còn ấn tượng bởi những cánh đồng lúa, những bãi ngô, bãi màu xanh ngút ngàn, những hàng quán, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều. Trong mấy năm trở lại đây, xã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong nông nghiệp, tập trung chỉ đạo thâm canh, sản xuất đúng nông lịch, thời vụ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đảm bảo tỷ lệ giống mới đạt 80% trở lên.
Bên cạnh đó xã cũng chỉ đạo bà con đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi. Xã chăm lo công tác thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu, chăm lo tu sửa đường giao thông, vệ sinh môi trường, làm tốt công tác cho vay vốn để đảm bảo sản xuất cho nhân dân. Nhờ đó kinh tế phát triển đạt mục tiêu đề ra. 6 tháng đầu năm tổng giá trị sản xuất ước đạt 8.402.477.000 đồng. Nông, lâm nghiệp vẫn là ngành chủ đao với tổng giá trị 8.179.830.000 đồng. Tổng diện tích gieo trồng là 126,9 ha, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 475,3 tấn. Tổng đàn trâu bò xấp xỉ 1000 con, lợn 979 con, gia cầm 2,8 tấn. Việc chăm sóc và bảo vệ rừng được làm tốt.
Xây dựng cơ bản đảm bảo. Thương mại - dịch vụ phát triển. Xã tạo điều kiện để nhân dân mở các dịch vụ buôn bán nhỏ, vận tải, dịch vụ nông nghiệp… Hiện toàn xã có 35 máy cày, 9 máy tuốt lúa, 16 máy xay xát, 3 máy gặt, 16 ốt quán.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Công tác tuyên truyền tiếp tục được làm tốt. Nhân dân tích cực tham gia bằng việc hiến đất, góp ngày công…
Cùng với kinh tế, văn hóa, xã hội cũng có những khởi sắc. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi.
Trước mắt, xã đang tập trung các nguồn lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên với điểm xuất phát thấp, Nam Sơn gặp nhiều khó khăn hơn so với các địa phương trong huyện. Xã xác định ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi để làm bước đệm thực hiện các tiêu chí khác. Tuy nhiên, việc này gặp phải khó khăn do thiếu vốn. Hiện tại hệ thống giao thông, thủy lợi của xã chưa đạt chuẩn cần được đầu tư thêm vốn để xây dựng, hoàn thiện. Bên cạnh đó, trụ sở làm việc của xã diện tích nhỏ hẹp, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu, các nhà văn hóa thôn cũng xuống cấp… Những hạng mục công trình đó cần được đầu tư về vốn để nâng cấp sửa chữa. Cùng với đó phát triển nông nghiệp cũng là ưu tiên hàng đầu của xã, vì thế xã mong muốn nhận được nhiều hơn các ưu đãi, đầu tư về giống cây con, đưa các mô hình sản xuất mới vào để xã áp dụng giúp xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người lao động và tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất, từ đó từng bước tiếp cận với nền kinh tế hàng hóa...
Lương Văn Long - Chủ tịch UBND xã