ảnh minh họa
Việc dựng một ngôi nhà sàn dài đòi hỏi không ít thời gian và nhân công, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên vật liệu. Nguyên liệu để làm nhà là các loại gỗ rừng, tre, nứa, lồ ô, lá tranh, lá trung quân, dây mây... Các loại gỗ rừng, để nguyên cây dùng làm cột nhà; các loại tre, nứa, lồ ô... dùng đan vách và sàn nhà; lá trung quân, lá cỏ tranh dùng để lợp mái; dây mây để buộc. Đặc biệt, về nguyên liệu, gỗ làm cột nhà phải thẳng, không có các loại dây leo bám trên thân cây. Theo quan niệm của người Chơ Ro, nếu chọn cây có dây leo bám xung quanh để làm cột nhà thì cuộc sống gia đình sau này sẽ không thoải mái, hay bị ràng buộc.
Một công việc trước khi làm nhà là phải chọn đất để xem hướng nhà. Đất được chọn thường là nơi gần suối, tiện cho việc sinh hoạt thường ngày của gia đình sau này. Theo tục lệ, trước khi dựng nhà người dân vạch một đường thẳng nhỏ, xếp bảy hạt gạo trên đường thẳng đó rồi lấy bát úp lại. Sáng hôm sau, nếu bảy hạt còn nguyên vẹn, không xê dịch thì đất đó tốt, dựng nhà được. Người Chơ Ro cho rằng đất ở đó yên ổn, không có các côn trùng gây hại như mối mọt và là điềm báo sự đồng ý của thần linh.
Người Chơ Ro thường làm nhà vào mùa khô để ngôi nhà được chắc chắn, thuận lợi trong việc tiến hành làm nhà. Trong vòng 4 tuần, với những dụng cụ đơn giản như chà gạc, dao côi, búa, những bàn tay khéo léo của những người thợ không chuyên nơi đây đã tạo dựng được một ngôi nhà sàn.
Hướng của cửa nhà là hướng bắc hoặc hướng nam, để hàng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Nhà ở thường vuông góc với hướng di chuyển của mặt trời. Người Chơ Ro không làm cửa hướng tây hoặc hướng đông, vì như vậy, mặt trời sẽ đi dọc theo chiều dài căn nhà, các gia đình trong nhà sẽ nóng bức, đau ốm thường xuyên...
Nhà sàn dài - Kiến trúc độc đáo của người Chơ Ro
Ngôi nhà sàn của người Chơ Ro thường được dựng theo hai công đoạn. Công đoạn đầu tiên là dựng mái nhà. Khi dựng bộ khung mái nhà, người dân nối các thanh tre tạo thành những vì kèo bằng dây mây chằng khít, chặt và đẹp. Kèo trên mái nhà phải được buộc đều theo một phía: hoặc cùng bên phải, cùng bên trái, nếu không mọi người trong gia đình hay mâu thuẫn. Số lượng lớp lá lợp mái phải là số lẻ, không được chẵn. Người dân quan niệm “sinh, thọ, lão, tử”, vì vậy số lượng lớp mái phải tránh số chẵn. Sau đó là việc lắp ráp bộ khung nhà trên nền đất bằng phẳng, tiếp đó kèo của mái nhà được đặt khớp với các đầu cột đã được dựng sẵn.
Khi khung nhà đã tương đối hoàn chỉnh, người ta tiến hành hoàn thiện các phần còn lại của ngôi nhà. Sàn nhà được làm bằng thân tre đập dập, trải ngang đều trên khung sàn nhà, dùng dây mây buộc cho chắc chắn. Dọc theo chiều dài của sàn nhà, ngoài các đà ngang, dọc đã được dựng sẵn, người ta đặt một thanh gỗ lớn, phẳng lệch về phía Tây, mọi người trong dòng họ và gia đình đi lại trên thanh gỗ này để tránh tiếng động, làm phiền đến người khác.
Vách nhà cũng được làm bằng thân tre, đập dập và cột bằng dây mây. Vách nhà của người Chơ Ro khá độc đáo, thường được đặt nghiêng khoảng 15 độ, mục đích đặt nghiêng như vậy để làm chỗ dựa lưng khi ngồi.
Phía dưới nhà sàn dài của người Chơ Ro
Trên nhà sàn của người Chơ Ro không có bàn ghế, họ dựa lưng vào vách nhà để ngồi nói chuyện, uống nước. Đồng thời, dọc theo vách ngang tầm mắt người ngồi được để hở để đón nhận ánh sáng, lưu thông không khí và nhìn ra phía ngoài.
Bàn thờ thần thường được bố trí ở giữa ngôi nhà, hướng mặt trời mọc. Bếp của mỗi gian nhà được đặt ở góc bên trái, phía Tây
Đặc biệt, phía cửa ra vào của mỗi ngôi nhà thường treo tổ ong vò vẽ khô (không còn ong). Theo lý giải của người dân, khi con ma định vào nhà làm hại gia đình, nó sẽ nhìn thấy tổ ong đầu tiên. Con ma sẽ đếm các lỗ của tổ ong trước, tổ ong có nhiều lỗ nên con ma sẽ khó đếm và dẫn đến việc đếm nhầm, phải đếm đi đếm lại nhiều lần, đến khi trời đã sáng vẫn đếm chưa xong, không vào nhà quấy phá gia đình được. Trong suốt quá trình làm nhà, gia đình chủ nhà thường có 2 lần làm lễ cúng thần đất và tổ tiên. Lần thứ nhất và lần thứ hai là khi việc cất nhà hoàn thành.
Nhà sàn dài là nơi sinh sống của các dòng họ trong cộng đồng người Chơ Ro. Đối với họ, ngôi nhà sàn không chỉ mang giá trị vật chất mà con ẩn chứa trong đó nếp ăn, nếp nghĩ, nếp sinh hoạt tạo nên một nét văn hóa nhà sàn mang tính cộng đồng, độc đáo.
Theo Dân Tộc Việt