Chương trình Liên hoan lần này đưa công chúng tiếp cận với nghi thức hầu đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian.
Đối với người dân huyện Nghi Xuân nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung, Đền Thánh Mẫu không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là di tích lịch sử văn hóa quan trọng ở vùng non nước Hồng Lam. Đền đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND ngày 08/08/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
“Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào năm 2016. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt.
Đối với người dân Việt Nam, Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.
Liên hoan tổ chức vào ngày 2/5/2024 (tức ngày 24/3 Âm lịch). Đối tượng tham gia là các Câu lạc bộ, Cá nhân Diễn xướng, Hầu đồng; Các Câu lạc bộ Chầu văn; Các Thanh đồng, Cô đồng, Cậu đồng hoạt động trong lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ.
Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại đền Thánh Mẫu là dịp để các nghệ nhân, thanh đồng trực tiếp tham gia thực hành, giới thiệu những giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến với nhân dân, du khách thập phương… Giúp thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, công lao của cha ông và giới thiệu về vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Nguyễn Yến