Men theo Quốc lộ 32, chúng tôi tìm được đến làng cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2016.
Với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, giếng nước, ruộng lúa... Làng cổ Đường Lâm tạo nên một khung cảnh thật đơn sơ nhưng rất đỗi thanh bình của một vùng quê Việt Nam. Dường như những thay đổi, những biến động của cuộc sống hiện đại vẫn chưa hề chạm đến được "linh hồn" của ngôi làng cổ. Từ ngoài đi vào, trước mắt chúng tôi là cổng làng Mông Phụ với hơn 1000 năm tuổi, tiêu biểu cho khu vực nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đây cũng chính là điểm mở đầu cho trục đường chính dẫn vào làng.
Hai cánh cổng làng được làm bằng gỗ lim, thiết kế theo hình dáng "cánh dế" với độ dày chừng bốn - năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép. Cổng làng xưa khá hẹp, chỉ đủ diện tích cho vài người gánh lúa ngồi nghỉ ngơi, hoặc chỗ trú cho vài người đi tuần làng. Có thể nói, đây là nơi phân định không gian lao động ở phía ngoài và không gian sinh sống phía trong làng.
Đến với Đường lâm, du khách như được hòa mình và chiêm ngưỡng những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một làng quê thuần Việt gắn liền với cuộc sống nông thôn. Ngôi làng cổ còn là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa lịch sử quý báu, góp phần khẳng định và minh chứng cho luận cứ: Sơn Tây là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt” - trung tâm của xứ Đoài xưa.
Bước qua cánh cổng này, chúng tôi đã chính thức được đặt chân vào làng, tất cả nét đẹp cổ kính và vẹn nguyên của làng quê xưa vẫn còn hiện diện. Để không phá vỡ không gian yên bình, tĩnh lặng nơi đây, cũng như bao du khách khác, chúng tôi gửi xe máy ở ngoài rồi đi bộ vào thăm quan, khám phá những điều thú vị bên trong ngôi làng cổ.
Người dân ở đây quá đỗi niềm nở, thân thiện và đáng yêu khi chào đón những vị khách thập phương bằng nụ cười hiền dịu, ánh mắt trìu mến. Các bà, các cô, các chị đon đả rót chén nước chè xanh mời khách. Có những em bé thay mẹ ra bán hàng, trên cái sạp hàng ấy chỉ bày biện ra đôi ba gói bánh, vài nải chuối, ấm nước chè xanh... vừa bán vừa chuyện trò với khách, nhanh nhảu và khéo miệng vô cùng.
Bất chợt, chúng tôi lại thấy vài bác nông dân đi làm đồng về, tay dắt con bò đi "thong dong" trên con đường làng bé nhỏ. Tất cả tạo cho chúng tôi một cảm giác thật gần gũi, quá đỗi thân quen như được trở về thời thơ ấu.
Dân làng ở đây sống quây quần bên nhau, giản dị, tình làng nghĩa xóm luôn đong đầy, khác biệt với chốn thị thành đông đúc. Trò chuyện đôi ba câu với người dân bản địa, chúng tôi tiếp tục dạo quanh những con đường làng và nhận ra một điều đặc biệt là nhà cửa ở đây chủ yếu được xây bằng vật liệu đá ong. Đây là một loại đặc sản của miền trung du, được xem là vật liệu đắc dụng trong kiến trúc xưa, giúp bảo đảm cho công trình luôn vững chãi, bên cạnh đó còn làm cho các công trình ấm về mùa đông và mát mẻ về mùa hè.
Những gia đình khá giả hơn, thì thường xây nhà bằng chất liệu gỗ lim-đinh-sến-táu, tồn tại hơn 200 - 300 năm nên đã được nhà nước đặc biệt chú ý, bảo tồn. Ghé thăm một ngôi nhà cổ hơn 300 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi được chủ nhà tiếp đón rất nồng hậu, ông kể về lịch sử cũng như kiến trúc của ngôi nhà, đến bây giờ đã là đời thứ 13. Không chỉ gia đình ông Hùng, mà còn rất nhiều ngôi nhà khác cũng có tuổi đời lớn, mọi người đều rất có ý thức trong việc bảo tồn giữ gìn nét cổ kính vốn có của ngôi nhà mà ông cha xưa đã để lại.
Bên cạnh những ngôi nhà cổ, thì ở làng Đường Lâm không thể thiếu các ngôi đền, đình, chùa uy nghi hàng trăm năm tuổi như đình Mông Phụ, đền thờ bà Chúa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền thờ Phùng Hưng - Ngô Quyền... được xem là "linh hồn" của ngôi làng.
Nét thôn quê ở đây không thể không nhắc đến hình ảnh những cụ già tuổi đã "thất thập cổ lai hy" ngồi quây quần bên chiếc chõng tre dưới tán cây đa cổ thủ rợp bóng mát, bên cạnh là giếng nước làng. Họ cùng nhau chơi cờ để tìm niềm niềm vui của tuổi già, thỉnh thoảng nhấp ngụm trà rồi lại hàn huyên trò chuyện, cười nói xóa tan đi cái nóng oi ả của ngày hè. Mọi điều bình dị ở nơi làng quê yên ả đã để lại cho chúng tôi một dấu ấn không thể phai mờ, từ con người, cảnh vật đến cuộc sống quá đỗi thân thương, mang đậm hồn quê Việt.
Những nét tự nhiên và cổ kính của ngôi làng đã trở thành một địa chỉ ấn tượng không chỉ đối với du khách bản địa mà cả đối với du khách quốc tế đến trải nghiệm, tham quan. Xứng đáng là điểm du lịch văn hóa lịch sử đầy tự hào của đất nước cần bảo tồn, khai thác và phát huy.
Rời Đường Lâm, đi qua cánh đồng làng đã khiến cho mỗi người chúng tôi cảm thấy tiếc nuối vì thời gian có hạn. Trong tương lai không xa, nếu có dịp, chắc chắn rằng ngôi làng cổ sẽ lại là điểm đến của chúng tôi để có thêm nhiều trải nghiệm sâu sắc hơn nữa ở chốn thôn quê bình yên này.
Nguyễn Yến
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lang-co-duong-lam-noi-hinh-anh-nong-thon-bac-bo-xua-hien-huu-a28269.html