Tham dự có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ...
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam - một tâm hồn lớn, một chí khí kiên trung, bất khuất.
"Chí khí chiến đấu" đó đã, đang và mãi tô thắm cho truyền thống vẻ vang của dân tộc, quê hương Hà Tĩnh, trở thành sức mạnh, bài học quý báu xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Tổng Bí thư Trần Phú xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú là khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn - nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva. Nhờ kết quả học tập tốt, đồng chí được Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cử làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại Trường.
Tốt nghiệp Đại học Phương Đông loại xuất sắc, tháng 11/1929, đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động, được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Luận cương Chính trị.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng, Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Luận cương đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải tính chất, mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến.
Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã chính thức bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng.
Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo.
Trong lao tù, đồng chí cùng đồng đội tổ chức đấu tranh lên án chế độ thực dân. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 06/9/1931, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27.
“Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm nhưng đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta” - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.
Kế tục truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh là một trong những đảng bộ ra đời sớm nhất, cùng Nhân dân cả nước làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất. Năm 1948, là tỉnh đầu tiên hoàn thành xóa nạn mù chữ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh là an toàn khu vững chắc, chi viện sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc, góp phần cùng cả nước đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ ở Đông Dương. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương của tiền tuyến miền Nam, góp sức to lớn vào công cuộc thống nhất nước nhà.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã giành kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, đến nay nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm khá của cả nước: quy mô nền kinh tế xếp thứ 30; thu ngân sách xếp thứ 18 cả nước; thu hút đầu tư đạt kết quả khá; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao.
Công tác an sinh xã hội đạt kết quả nổi bật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; hàng chục điểm trường vượt lũ, gần 8.000 nhà ở kiên cố cho người dân. Quỹ học bổng của tỉnh đã hỗ trợ 318 em học sinh gặp hoàn cảnh đặt biệt khó khăn học đại học. Các đối tượng yếu thế được chăm lo hỗ trợ, đỡ đầu.
Lễ kỷ niệm nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh. Đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc, vì lý tưởng cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân.
Qua đó, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Viết Hải
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-long-trong-to-chuc-le-ky-niem-120-nam-ngay-sinh-tong-bi-thu-tran-phu-a28243.html