Lễ hội đền Cửa: Mạch nguồn văn hóa tâm linh

Trên đất thiên trụ, đền Cửa (Khánh Hợp, Nghi Lộc) hiện ra với hết thảy khi hừng đông, lúc chạng vạng. Mang trong mình văn hóa của gần 1.000 năm trước, đền linh thiêng không vì tòa ngang, dãy dọc... Trong tâm niệm người dân nơi đây, đền là nếp sống, nếp nhớ và là nếp nghĩ muôn đời.

Nẻo về nguồn cội

Đền Cửa là một trong những di tích tồn tại lâu bền, song hành với tiến trình phát triển của Nghi Lộc. Không chỉ là phù sa văn hóa đắp bồi nên khí chất, diện mạo của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này, còn là di sản sống cho ai đem lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích. 

Với công trình kiến trúc lịch sử gần 1000 năm, đền được xây dựng do công của Chiêu Minh Đại Vương, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Tương truyền, Tướng quân Trần Quang Khải đi thuyền cập bến Cửa, thấy cảnh trí hùng vĩ, được núi non bao bọc, lại thuận tiện đường thủy nên đã chọn chốn này đóng quân. 

420404891-122144447840143101-853171139640361920-n-1712849209.jpg
Năm 2009, Đền Cửa được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử văn hóa...

Trên cơ sở am thờ đã có từ trước, Thượng tướng Trần Quang Khải đã cho xây dựng ở bến Cửa ngôi đền thờ Mẫu Âu Cơ với dụng ý khích lệ lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm đánh giặc của tướng sĩ. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đền còn là nơi thờ tự nhiều vị thần linh ứng trong tín ngưỡng dân gian, những nhân vật lịch sử có công lao to lớn đối với nhân dân, với nước. 

Mẫu Âu Cơ: Theo truyền thuyết là Tổ mẫu của người Việt, người đã cùng Lạc Long Quân sinh ra bọc trứng trăm con - cội nguồn của dân tộc Việt. Truyền thuyết xa xưa truyền lại, tại vùng Cửa Xá có 2 trong số 100 người con của Lạc Long Quân và mẫu Âu Cơ khi đi về phương Nam, đến Cửa Xá thấy cảnh đẹp, đất đai bằng phẳng, rộng rãi thuận lợi cho công việc làm ăn, sinh sống, bèn cùng nhau chọn nơi đây để dựng nghiệp. Họ dừng chân lấy hang Hổ (còn gọi là núi Hang) làm nhà, ngày ngày cuốc xới đất đai trồng trọt, chăn nuôi, chèo thuyền thả lưới đánh bắt cá...

Để ghi nhớ tới thánh mẫu Âu Cơ, con cháu và dân chúng vùng này đã cho lập một am thờ ngay tại cửa bể, là tiền thân của đền Cửa ngày nay. Mẫu thường hiển linh phù trợ cho nhân dân vùng này được yên ổn làm ăn, tai qua nạn khỏi, mùa màng tốt tươi. Và các triều đại đã sắc phong và tôn mẹ Âu Cơ là Đức Thánh Mẫu Đại vương.

Thượng tướng, Thái sư, Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải là người con thứ 2 vua Trần Thái Tông. Thuở nhỏ ông đã nổi tiếng giỏi võ, làm thơ hay nên rất được vua yêu mến. Năm 1259, vua Trần Thánh Tông phong ông làm Thái úy, tước Chiêu Minh Đại Vương, kiêm cai quản châu Nghệ An. Trần Quang Khải là vị tướng có nhiều công lao kiệt xuất trong cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII, đồng thời là người khởi xướng xây dựng Đền Cửa.

434865610-122144448044143101-7501601244869887761-n-1712849329.jpg
Năm 2010, UBND tỉnh cho phép tổ chức lễ hội Đền Cửa định kỳ hàng năm

Tướng Ninh Vệ: Ông là một tướng tài ở thời kỳ cuối nhà Trần, có công đánh dẹp giặc ở phương Nam và được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ ở Thượng xá. Nhiều lần đem quân đi đánh giặc, ông thường để quân sĩ nghỉ ngơi và luyện tập ở đây trước khi hành quân. Năm Mậu Ngọ (1378) quân Chiêm Thành đến đánh Nghệ An bằng đường biển, giặc bất ngờ tấn công lên căn cứ Thượng Xá (Cửa Lò), tướng Ninh Vệ đã chỉ huy quân chiến đấu dũng cảm chống trả quyết liệt, song quân Chiêm lúc này quá mạnh, quân bị giặc vây chặt và ông đã anh dũng tử trận. 

Ông mất gần bến Vũng Cầu, nhân dân tiếc thương đã an táng tại phía đông Đền Cửa. Để tưởng nhớ tới công lao của ông, nhân dân đã lập bài vị phối thờ ông ở Đền Cửa.

Quận Công Nguyễn Cảnh Quế sinh năm Kỷ Hợi (1599) quê ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Năm 1629, triều đình cử ông vào Hoan Châu để tiễu trừ tên Hiến Thuấn nổi dậy quấy nhiễu cướp phá nhân dân. Lúc bấy giờ, ông kéo quân vào Nghệ An đóng bản doanh tại Cửa Xá (Nghi Lộc) và đã tổ chức xây dựng căn cứ, tấn công đánh tan quân nổi loạn. 

Do có công lớn nên ông được triều đình thăng chức Phó tướng, Phò mã, Liêu Quận Công, Tả đô đốc và giao làm trấn thủ Nghệ An. Ông có công cải tạo vùng đất được Chúa phong ban. Sau khi mất, ông được mai táng gần bến Vũng Cầu, cách đền Cửa 800m về phía Bắc. Và để ghi nhớ công lao, dân chúng trong vùng đã lập bài vị thờ, đồng thời tôn ông thành Hậu Thần.

432945674-122144447774143101-1187850672430431655-n-1712849553.jpg
Ngoài ra, tại Đền Cửa còn có gian thờ Phật, Tam tòa Thánh Mẫu, tạo nên nét độc đáo trong tín ngưỡng tâm linh

Lễ hội đền Cửa phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Đền Cửa là nơi hoạt động bí mật của các chiến sỹ cách mạng như đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Văn Tâm, là nơi cất giấu vũ khí và huấn luyện bộ đội. Cùng với Đền Cờn ở Quỳnh Lưu và Đền Cuông ở Diễn Châu, Đền Cửa là một trong những ngôi đền lớn nhất ở vùng đất cửa biển Nghệ An.

Đền có 3 tòa: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện được xây ở vị trí đẹp, quay mặt hướng Đông Nam, trên thế đất hình chim phượng. Bao bọc xung quanh là làng mạc và khu dân cư đông đúc. Cảnh quan đền Cửa xứng danh một vùng "nhân sơn quần tụ" và "địa linh nhân kiệt". Công trình đã được tu bổ, xây dựng lại khá khang trang vào năm 2003 bằng nguồn ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp.

Gian giữa nhà Hạ điện là nơi thờ Tướng quân Trần Quang Khải. Gian giữa nhà trung điện là nơi thờ Tướng quân Ninh Vệ. Gian bên trái nhà Trung điện là nơi thờ Quận công Nguyễn Cảnh Quế. Gian bên phải nhà Trung điện là nơi thờ vọng nho sư Phùng Thời Tá. 

434838905-122144447906143101-8872833184473496292-n-1712849183.jpg
Lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ dâng hương, lễ tế thần và giỗ thánh mẫu Âu Cơ.

Nhà Thượng điện có kiến trúc thời Nguyễn, gian chính giữa để thờ Mẫu Âu Cơ, gian bên trái là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên phải là nơi thờ Cao Sơn, Cao Các.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ 09/4 - 11/4/ 20/4, với phần lễ bao gồm; lễ yết cáo, lễ dâng hương và lễ giỗ thánh mẫu Âu Cơ; phần hội gồm các hoạt động văn nghệ, văn hóa thể thao và các trò chơi dân gian như bóng chuyền, đẩy gậy, cờ thê, bịt mắt bắt vịt...

Lễ hội đền Cửa hiện nay đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Lễ hội được tổ chức hằng năm như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà thế hệ trẻ ngày nay cần học hỏi và phát huy.

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-den-cua-mach-nguon-van-hoa-tam-linh-a28189.html