Phát biểu tại lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với Quần thể 9 cây Sưa làng Hương Trà, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Tam Kỳ yêu cầu các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến địa phương, toàn thể nhân dân thành phố nói chung và làng Hương Trà nói riêng, tiếp tục gìn giữ, phát triển quần thể cây di sản đặc biệt, hiếm có này.
Theo lịch sử ghi lại, làng Hương Trà là vùng đất của ấp Hương Trà có khoảng từ đầu thế kỷ XVI, nằm ở ngã ba sông Tam Kỳ - Kỳ Phú nên đất đai của làng hết sức màu mỡ, ruộng vườn tươi tốt. Trong quá trình hình thành và phát triển, làng Hương Trà gắn liền với sự hình thành và phát triển của thủ phủ Tam Kỳ xưa và thành phố Tam Kỳ ngày nay.
Cũng như bao làng quê khác của Việt Nam nói chung và của Quảng Nam nói riêng, điểm đặc trưng của làng Hương Trà là gắn liền với bờ sông. Do đó, để phòng chống các dòng sông xâm thực, trong suốt quá trình lập đất, lập làng, để bảo vệ nhà cửa, làng mạc, giữ gìn hệ thống giao thông, các bậc tiền nhân đã lựa chọn cây Sưa vàng để trồng trước nhà, trong vườn, dọc bờ đê làng… đã tạo không gian làng Hương Trà nổi bật với 2 hàng Sưa xanh biếc trên con đường làng. Hàng năm, mỗi độ tháng Tư về, hoa Sưa vàng rực tô thắm cả vùng đất Hương Trà. Hương hoa Sưa bay theo gió thơm xa khắp cả vùng, nên người dân nơi đây còn gọi là cây Cửu lý hương.
Quần thể cây Sưa - Giáng hương ấn ở làng Hương Trà có tuổi đời trung bình trên 200 năm. Nhiều năm trở lại đây, để cùng với người dân làng Hương Trà bảo tồn và phát triển quần thể cây Sưa, chính quyền các cấp thành phố Tam Kỳ đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động gìn giữ và quản lý cảnh quan ở Hương Trà và phát triển trồng trên các tuyến phố ở địa bàn thành phố, không gian công cộng với gần 2.000 cây Sưa...
Theo TTXVN
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quan-the-9-cay-sua-lang-huong-tra-quang-nam-duoc-cong-nhan-cay-di-san-viet-nam-a28176.html