Vẫn còn tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa" làm biến dạng tại một số địa phương

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn trả lời các kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh thành liên quan đến công tác bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng các di tích.

a243531310049975-1712458631.jpg
Ảnh minh họa

Chấm dứt tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm bảo vệ, trông nom di tích

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Theo đó, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành hướng dẫn mô hình quản lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đảm bảo khoa học, hiệu quả và đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 27/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc hướng dẫn kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo tinh gọn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích, chấm dứt tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm bảo vệ, trông nom di tích.

Đối với các di sản thế giới, ngày 21/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, theo đó nội dung Điều 15 và 16 quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý di sản thế giới.

Đồng thời, để thực hiện chức năng quản lý di tích theo phân cấp của Chính phủ, sau khi di tích được xếp hạng, các địa phương trên cả nước đã căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng, ban hành các quy chế phân cấp quản lý di tích trên địa bàn, thành lập các Ban/Trung tâm quản lý di tích (08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, nhiều di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia cũng đã được thành lập các Ban/Trung tâm quản lý hoặc được giao cho các đơn vị có chức năng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị), qua đó đã xác định rõ trách nhiệm trông nom, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương...

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đã bổ sung quy định về người đại diện, ban quản lý di tích, nhiệm vụ của ban quản lý di tích.

Trong quá trình tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý di tích để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa" làm biến dạng

Cùng vấn đề này, Bộ VHTTDL cũng đã nhận được Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 của Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, cử tri tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích đang xuống cấp, việc tu sửa các công trình di tích phải được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, như vậy gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị phân cấp lại cho tỉnh quyết định.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đã thể hiện quan điểm thống nhất trong việc phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bảo đảm vai trò chỉ đạo, theo dõi, cũng như giám sát, xử lý vi phạm... ở các cấp, đồng thời phù hợp với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Ngày 25/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nội dung Nghị định đã quy định cụ thể thời gian thẩm định dự án tu bổ di tích, đảm bảo phù hợp và tương thích với các quy định của Luật Xây dựng. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố quyết định việc lập và phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ thẩm định chuyên môn về di sản văn hóa làm cơ sở để tỉnh/thành phố phê duyệt dự án tu bổ di tích đối với di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt.

Như vậy, Luật, Nghị định đã quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chí, trách nhiệm và quyền hạn, quy trình và thời gian giải quyết..., các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai lập và trình thẩm định dự án tu bổ di tích, thẩm định dự án tu bổ di tích đảm bảo thời gian theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế bên cạnh những kết quả tích cực trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích tại một số địa phương còn tồn tại, hạn chế như: Không thực hiện đúng nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định, còn xảy ra tình trạng tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu "hiện đại hóa" làm biến dạng, sai lệch, mất đi yếu tố gốc, giá trị của di tích; vi phạm khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của di tích; chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục dẫn đến việc vi phạm trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Mặt khác, điều kiện phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là cần bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn cao để thẩm định các nội dung đặc thù về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thực trạng đa số các địa phương trên cả nước đang thiếu hụt đội ngũ nguồn nhân lực có chuyên môn, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó, việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di sản thế giới, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt cần có ý kiến thẩm định về mặt chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đảm bảo giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành di tích.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trong quá trình tiếp thu ý kiến của Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu các nội dung nhằm đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Chủ động đưa các Dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trên địa bàn vào Danh mục dự án đầu tư công trung hạn của địa phương

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 840/VPCP-QHĐP ngày 02/02/2024.

Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí kinh phí bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng các di tích, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Lắk, như: Biệt điện Bảo Đại, Thác Bìm Bịp, danh lam thắng cảnh Hồ Lắk…ưu tiên bố trí nguồn kinh phí chương trình mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam để đầu tư tuyến đường xung quanh hồ Lắk với chiều dài 30km, nhằm giúp địa phương khai thác thế mạnh về du lịch của huyện Lắk."

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đối với nội dung kiến nghị bố trí kinh phí bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng các di tích, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia trên địa bàn huyện Lắk, theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mực phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, việc lựa chọn dự án cụ thể và mức vốn bố trí kinh phí cho nội dung bảo tồn, duy tu, tôn tạo, phát huy giá trị du lịch, danh lam thắng cảnh trên phạm vi địa bàn cơ sở thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương.

Do đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chủ động đưa các Dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trên địa bàn vào Danh mục dự án đầu tư công trung hạn của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 07/3/2023 của Chính phủ), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân nhân tỉnh Đắk Lắk, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp kinh phí thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích.

Về nội dung kiến nghị ưu tiên bố trí nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam để đầu tư tuyến đường xung quanh hồ 2 Lắk với chiều dài 30km, nhằm giúp địa phương khai thác thế mạnh về du lịch của huyện Lắk, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm từ 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó không có nội dung đầu tư Chương trình mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương, theo đó đề xuất ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam để đầu tư tuyến đường xung quanh hồ Lắk với chiều dài 30km, nhằm giúp địa phương khai thác thế mạnh về du lịch của huyện Lắk là chưa phù hợp.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/van-con-tinh-trang-tu-bo-ton-tao-di-tich-theo-kieu-hien-dai-hoa-lam-bien-dang-tai-mot-so-dia-phuong-a28153.html