Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi): Không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế

TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, dù ở góc độ nào, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế.

175184pgsts-do-van-tru-1711710219149635531881-1711851741.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Phát biểu khai mạc tọa đàm góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước, nhằm tiến tới có được một luật hoàn chỉnh nhất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ VHTTDL đã hoàn thành dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần thứ năm. Với tư cách là một hội xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm góp ý thêm vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Còn theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, những năm qua, mặc dù Luật Di sản văn hóa đã phát huy hiệu quả nhưng vẫn chưa được như mong đợi, việc thi hành Luật còn có những hạn chế.

Một số quy định của Luật còn có những điều chung chung, hoặc chưa đề cập cụ thể đến một số đối tượng như di tích công nghiệp, di tích đô thị, cảnh quan văn hóa, di sản tư liệu, di sản thiên nhiên, việc xây dựng trong các khu vực bảo vệ di tích...

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, do tâm lý của một số người quản lý di tích ở địa phương và cộng đồng muốn làm cho di tích khang trang, to đẹp, quy mô với những dự án lớn mà chưa quan tâm thỏa đáng đến các yếu tố gốc và tính xác thực của di tích, khiến cho việc thực hiện dự án kéo dài, di tích gốc bị xuống cấp nặng hoặc biến dạng.

"Không ít dự án phát triển kinh tế và đô thị không có sự tham gia, theo dõi của cán bộ văn hóa, một số quy định về việc thăm dò khảo cổ học, bảo vệ di tích, di vật bị bỏ qua hoặc chỉ làm chiếu lệ, dẫn đến hậu quả là một số di tích, di vật bị phá hủy và tẩu tán mà không ai biết...”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng trăn trở.

Không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế

TS Nguyễn Thế Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng hành lang pháp lý này chính là nhằm thực thi trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa. Dù ở góc độ nào, Luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi, không tạo sức ép lên di sản vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xuất phát điểm của việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa không chỉ là câu chuyện “đón” chiến lược phát triển kinh tế, hoặc những yếu tố liên quan đến tầm nhìn mà chính là từ yêu cầu thực tiễn đặt ra.

TS Phạm Quốc Quân cho rằng, thực tiễn đang cần có những cập nhật, đổi mới để áp dụng thuận lợi và hiệu quả cho công tác quản lý ở lĩnh vực di sản văn hóa. Nhìn từ những vấn đề đang đặt ra hiện nay, chúng ta thấy rằng dự Luật sửa đổi đã bao quát tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể cần tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo hiệu quả thực thi, đơn cử như xây dựng bản đồ khảo cổ học, bảo tàng, thị trường cổ vật.

Cho ý kiến tại tọa đàm, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, dự thảo Luật cần xem lại cách phân loại các loại hình. Công ước 2003 của UNESCO chia di sản văn hóa phi vật thể thành 5 loại hình/lĩnh vực, bao gồm: các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống.

Trong khi đó, dự thảo Luật chia thành 6 loại hình/lĩnh vực, tách lễ hội truyền thống thành mục riêng, trong khi lễ hội truyền thống phải gắn chặt với tín ngưỡng, không thể bóc tách lễ hội truyền thống ra khỏi tín ngưỡng, độc lập với tín ngưỡng.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, cũng nên có thêm mục “Và các lĩnh vực khác” để bao quát hết sự đa dạng của di sản văn hóa phi vật thể.

Nhiều đại biểu có chung ý kiến, không nên tách di sản tư liệu thành một chương riêng ngang với di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Bởi dù tồn tại dưới hình thái nào thì di sản tư liệu cũng thuộc lĩnh vực vật thể hoặc phi vật thể.

Về mặt thực tiễn, phần lớn di sản tư liệu là những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc là một bộ phận trong di tích, một số khác nằm trong các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và sưu tập tư nhân. Việc tách ra thành một loại riêng khiến nhiều quy định về di sản tư liệu trùng lặp với quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Cần bổ sung quy định về việc sưu tầm cổ vật

TS Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị nên bổ sung thêm việc xây dựng bảo tàng số về di sản tiêu biểu quốc gia trên các lĩnh vực như ẩm thực, trang phục, cổ vật, tư liệu, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… để phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như làm tư liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Còn theo TS Hạ Thị Lan Phi, nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, liên quan các quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bổ sung điều luật bảo vệ những “báu vật nhân văn sống” là những nghệ nhân đang sở hữu những kỹ năng, kỹ thuật thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, thông qua các biện pháp như vinh danh, cấp giấy chứng nhận, cấp kinh phí hỗ trợ hàng năm...

PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong nhiều năm qua, các quy định về quản lý cổ vật, ngăn chặn “chảy máu” cổ vật chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng chí ít, có hàng trăm ngàn cổ vật của nước ta đã bị đưa ra nước ngoài bằng nhiều cách từ thời Pháp thuộc đến nay. Các cổ vật đó hiện nằm tại các bảo tàng, các sưu tập tư nhân ở nhiều nước.

Theo ông Hùng, nguyên nhân là do nhận thức của người dân về bảo vệ cổ vật chưa cao. Tại một số di tích, bảo tàng, việc bảo vệ cổ vật chưa được coi trọng, chưa có phương án phòng chống trộm cắp hiệu quả, nhất là ở các di tích tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu... Lực lượng trông nom các di tích này hầu hết là người già, việc truy tìm cổ vật bị mất cắp của các cơ quan chức năng cũng chưa đạt hiệu quả cao.

Các di tích khảo cổ, địa điểm có cổ vật cũng chưa được chính quyền các địa phương lập phương án quản lý, bảo vệ chu đáo nên dễ xảy ra hiện tượng người dân đi đào bới, tìm kiếm cổ vật đem bán cho những người buôn, sưu tầm cổ vật…

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: “Việc không có quy định về sưu tầm di vật, cổ vật khiến việc đào bới, trộm cắp di vật, cổ vật tại các di tích khảo cổ trở nên phổ biến hơn. Các di tích bị đào bới, phá hủy ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước…”, vì vậy, dự thảo Luật cần thiết phải bổ sung quy định về việc sưu tầm cổ vật./.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-khong-danh-doi-khong-tao-suc-ep-len-di-san-vi-muc-tieu-phat-trien-kinh-te-a28103.html