Chuyển dịch sang kinh tế đêm
Theo đó, khu vui chơi giải trí Cửa Hội được chia làm 8 phân khu chức năng, bao gồm tuyến cáp treo vượt biển với chiều dài hơn 3,5km ra Đảo Ngư; khu dịch vụ ẩm thực gồm phố và chợ đêm; khu công viên nước; khu trò chơi giải trí; khu thể thao bãi biển; đường trượt leo núi xung quanh đảo Ngư; bãi tắm đảo Ngư; nhà hàng ẩm thực; khách sạn 5 sao... Đến ngày 30/4/2024, khu vui chơi sẽ mở cửa, đưa vào khai thác, phục vụ du khách.
Năm nay, du khách về với Cửa Lò sẽ có thêm nhiều điểm check-in đẹp, mới. Bên cạnh những điểm check-in đã khá quen thuộc như bán đảo Lan Châu, Quảng trường Bình Minh, cảng cá, cầu Cửa Hội…, thì thị xã Cửa Lò đã cho xây dựng thêm một số điểm check-in mới như ở làng chài Nghi Thủy, khu bảo tồn hoa cúc biển...
Cùng với đó, thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng trên địa bàn thị xã Cửa Lò, giai đoạn 2021 – 2025”, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đã không ngừng đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ tiện nghi theo quy định. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng các homstay, bungalow, cà phê vườn,… để gia tăng trải nghiệm lưu trú cho du khách.
Hiện tại, Cửa Lò đang tiếp tục chuỗi hoạt động Lễ hội Hoa cúc biển (từ ngày 23/3/2024) như cuộc thi” Nữ thanh niên thanh lịch Cửa Lò năm 2024; hội thi “Trang trí điểm check-in hoa cúc biển”; cuộc thi lái xe điện giỏi…; xây dựng khu mua sắm tập trung và trải nghiệm ở làng chài Nghi Thủy. Các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị khác cũng đang gấp rút hoàn thành.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện chuyển dịch sang “kinh tế đêm”. Cụ thể, thị xã biển sẽ có thêm 1 khu phố đêm ở phường Nghi Thu, bên cạnh khu phố đêm - phố đi bộ đường Nguyễn Sinh Cung được tổ chức trong những năm qua.
Khu phố đêm sẽ lấy khu vực lâm viên sân vận động thị xã, đường Nguyễn Huệ làm không gian trung tâm. Các loại hình dịch vụ nằm ở khu vực lâm viên sân vận động thị xã và tuyến khu vực đường Nguyễn Huệ sẽ hoạt động tất cả các ngày trong tuần, hoạt động cả ngày và đêm (hoạt động 24/24h).
Du lịch văn hóa, du lịch làng nghề
Trong cái nôi văn hóa của vùng Nghệ An, Cửa Lò nổi lên đượm một nét riêng biệt. Văn hóa miền biển. Văn hóa di sản. Và cả văn hóa làng nghề.
Tại Cửa Lò, có nhiều ngôi chùa và đền nổi tiếng linh thiêng mang đậm giá trị lịch sử, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và là điểm tham quan hấp dẫn. Với 35 di tích lịch sử, văn hóa đã được phân cấp quản lý, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: Đền Vạn Lộc, đền Mai Bảng, nhà thờ họ Hoàng Văn. Nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, như: chùa Lô Sơn, chùa Song Ngư, đền Diên Nhất, đền Yên Lương, đền Bàu Lối, đền Làng Hiếu, nhà thờ họ Hoàng Thế, nhà thờ Phùng Phúc Kiều...
Gắn với các di tích lịch sử là các lễ hội được tổ chức vào mùa xuân thu hút sự tham gia của cư dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Tiêu biểu như lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội đền Mai Bảng, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Sông nước Cửa Lò…
Song song với du lịch văn hóa, các làng nghề truyền thống có thể ví như một “bảo tàng” lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể - sản phẩm thủ công và phi vật thể - tri thức, kinh nghiệm, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... Phát triển làng nghề gắn với du lịch không chỉ thu hút du khách đến với Cửa Lò, đem lại lợi ích kinh tế to lớn, mà còn khơi dậy tiềm năng và bảo tồn những đặc trưng văn hóa, truyền thống của mỗi làng nghề.
Tính đến nay, thị xã có 4 làng nghề đã được công nhận: Làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1 (phường Nghi Hải); Làng nghề bảo quản, chế biến hải sản (phường Nghi Tân); Làng nghề đánh bắt và chế biến hải sản (phường Nghi Thủy); Làng nghề làm bánh bún (khối Đông Khánh, phường Nghi Thu). Ngoài ra, Hiệp hội cá thu nướng Cửa Lò cũng được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là thương hiệu tập thể.
Có thể khẳng định, việc đưa các sản phẩm của làng nghề gắn với hoạt động du lịch vừa mang lại hiệu quả về kinh tế vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, thông qua hoạt động du lịch, mỗi khách du lịch là một kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả. Nhưng để làm được điều này, cần sự chung tay, vào cuộc của chính quyền địa phương và bản thân của các làng nghề cần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của địa phương làm nên những điều đặc trưng, đặc biệt dành cho khách du lịch khi về với Cửa Lò.
Để thực hiện mục tiêu đón và phục vụ 4,15 triệu lượt khách du lịch, thị xã Cửa Lò đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch; tiếp tục quy hoạch và chỉnh trang đô thị; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch…
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-lich-cua-lo-nam-2024-hung-binh-minh-a28088.html