Thời gian qua, tỉnh quan tâm triển khai các biện pháp chỉ đạo ở lĩnh vực văn hóa, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương nhằm thực hiện tốt việc phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh, hướng đến góp phần xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người phù hợp yêu cầu phát triển của vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương về văn hóa, con người để thực hiện. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị; chú trọng đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa; xây dựng phương thức lãnh đạo về văn hóa, con người đảm bảo phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) theo hướng hiệu quả, chất lượng, linh hoạt; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và ý thức tôn trọng pháp luật cho người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Nhiều tài liệu tuyên truyền về phát triển văn hóa, con người, giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng biên soạn và đẩy mạnh việc học tập. Tiêu biểu như: Biên soạn và tái bản sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum (tập I và tập II), sách “Kon Tum đất nước con người”, sách “Kon Tum - 100 năm lịch sử và phát triển”... Bên cạnh đó, đã xây dựng được 10 hội khuyến học cấp huyện và 102 hội ở cấp xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên trên 59.000 người; công nhận gần 14.500 gia đình học tập, 18 dòng họ học tập, 157 cộng đồng học tập và 76 đơn vị học tập trên toàn tỉnh; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động bổ ích, ý nghĩa trong thanh niên gắn với việc học tập và làm theo Bác.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng và nhân rộng, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiểu biểu như: phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”; “Nhóm nòng cốt”, “Tổ hòa giải” ở cơ sở; mô hình “Làng thanh niên”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Làng phụ nữ DTTS tiên tiến”; “Khu dân cư đảm bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh, việc phát triển văn hóa, con người Kon Tum gắn với xây dựng các hệ giá trị quốc gia, gia đình Việt Nam ngày càng hiệu quả, góp phần đưa tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; môi trường văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 91% hộ gia đình văn hóa, 94% khu dân cư văn hóa. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng nâng cao, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 98,74%; tuổi thọ trung bình của người dân đạt 67,7 tuổi (năm 2020), tăng 1,5 tuổi so với năm 2015 (66,2 tuổi); 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,46%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 11,23%.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia trong tình hình mới, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là triển khai hiệu quả Chương trình số 76-CTr/TU, ngày 17/10/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về văn hóa.
Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa- xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; tiếp tục rà soát, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết nhằm kịp thời phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu.
Theo Báo Kon Tum
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kon-tum-xay-dung-va-phat-trien-he-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-trong-thoi-ky-moi-a28065.html