Vùng đất tiềm năng du lịch văn hoá và sinh thái
Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có vị trí địa lý, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với dân số khoảng 1,9 triệu người (chiếm 34% dân số Tây nguyên), 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, Đắk Lắk hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc thù, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa các dân tộc. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Chăm, Lào Khmer, cùng với sự di cư từ lâu đời của các dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, Mông, Thái, Kinh... đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về đời sống văn hoá, ẩm thực. Đắk Lắkcũng là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông, Gia Rai với những lễ hội truyền thống, trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Những giá trị văn hóa tinh thần ở Đắk Lắk còn được thể hiện phong phú như kinh nghiệm thuần dưỡng voi, chế tạo ra đàn đá và cồng chiêng; tượng nhà mồ của các dân tộc Gia Rai, Bana, Ê-đê, M’nông; kỹ thuật trang trí dệt nên những hoa văn của trang phục các dân tộc, những pho sử thi đồ sộ và giá trị như sử thi Đam San, Đăm Noi, Xing Nhã. Các giá trị tinh thần còn đọng lại sâu sắc trong các tục lệ của người Êđê, của người M’nông, Gia Rai, Ba-na,… qua các ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí; trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng… Đây cũng là những điểm nhấn trong văn hoá Đắk Lắk để phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá.
Với điều kiện thổ nhưỡng đất đỏ bazan, thời tiết ôn hoà với hai mùa mưa, nắng rõ rệt, Đắk Lắk có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng cùng hệ thống thác ghềnh hùng vĩ như: Thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông,… những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Rừng đặc dụng Nam Ka, gắn với các dòng tsông Sêrêpôk, Krông Ana, Krông Bông… Trong hai năm gần đây, Đắk Lắk bắt đầu thực hiện mô hình sản phẩm "du lịch thân thiện với voi".
Ghi nhận thực tế cho thấy, khách du lịch khi đến với địa phương Đắk Lắk đều có xu hướng tìm về những địa điểm du lịch sinh thái tự nhiên, gắn với cây cỏ xanh mát, sông suối và thiên nhiên thoáng đãng. Đến nay, đã có 17/21 khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn Đắk Lắk được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định về độ thu hút khách du lịch.
Ngoài những điểm đến nổi tiếng như Khu du lịch Buôn Đôn, Vườn Quốc gia Yak Đôn, Cụm thác Dray Nur, Gia Long (huyện Krông Ana), Thuỷ Tiên (Krông Năng); Khu du lịch sinh thái cộng đồng Ko-Tam (Buôn Ma Thuột),.. hiện nay, ở Đắk Lắk nổi lên nhiều điểm du lịch mới, hướng về du lịch sinh thái như Khu du lịch sinh thái Troh-Bư, điểm du lịch cộng đồng buôn Ako Dhong, buôn Tơng Jú, Khu nghỉ dưỡng Đường mòn Cao nguyên huyện Lắk), Khu du lịch Suối Ong, Đồi Trầm (TP Buôn Ma Thuột)…
Với điều kiện địa hình đồi núi xanh, thời tiết mát mẻ vào mùa hè nên loại hình du lịch sinh thái rất được khách du lịch ưa chuộng. Sự lựa chọn cách thức du lịch tuỳ thuộc vào độ tuổi, sở thích và cá tính. Ví dụ như leo núi, chạy bộ xuyên rừng, đua xe địa hình, leo núi săn mây… phù hợp với những tour khám phá, tìm hiểu vẻ đẹp huyền bí của rừng núi; cắm trại bên hồ, thác nước, chèo súp vượt thác phù hợp với những tour mạo hiểm, khám phá thác ghềnh; …
Đặc biệt, với sự lợi thế của cây cối xanh tươi, thời tiết mát mẻ và dễ chịu, nhiều nông trại nông nghiệp phối hợp với các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch để du khách tìm về với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành của núi đồi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã khai thác sở thích tìm hiểu, trải nghiệm các quy trình canh tác, chế biến các loại cây công nghiệp đặc thù của Đắk Lắk như ca cao, cà phê, sầu riêng. Mô hình này có nhiều lợi thế vì kết hợp với các vườn trồng tập trung mô hình hữu cơ, thưởng thức trái cây hoặc nông sản tại chỗ. Vào thời điểm mùa hè, phương thức này được khách du lịch từ thành phố ưa chuộng và yêu thích.
Đắk Lắk cũng là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng, nơi đây còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm 1 lần.
Mỗi huyện, thị xã và buôn làng đều sở hữu nét đặc sắc trong văn hoá, từ âm nhạc, cồng chiêng đến các nhạc cụ tre nứa, đàn đá đều rất đặc trưng. Yếu tố đa văn hoá của các dân tộc cùng sống trên một địa bàn, thôn buôn, làng xã cũng góp phần tăng thêm sự đặc trưng ấy. Có nhiều đội chiêng Ê đê, M’Nông, Mường đã được duy trì và tập luyện và đi biểu diễn rất nhiều nơi. Thậm chí tại một số nơi, tại một số lễ hội truyền thống, nhiều bài chiêng, nhạc cụ vang lên xen kẽ nhau rất thú vị.
Nhiều lễ cúng được tái hiện không chỉ trong Lễ hội truyền thống mà còn được giới thiệu đến du khách trong các chương trình du lịch như tái hiện lễ cúng kết nghĩa anh em, lễ cúng sức khoẻ,… Không chỉ có các nghệ nhân lớn tuổi mà hiện nay đã có các bạn trẻ tuổi kể khan (sử thi) tại các nhà dài truyền thống hay hát ayray trong các sự kiện đón khách tạo nên điểm nhấn văn hoá ở Đắk Lắk.
Bên cạnh đó, ẩm thực cũng là một yếu tố rất thu hút khách du lịch. Các món ăn truyền thống của các dân tộc đã được quảng bá khá hiện đại. Đối với các dân tộc như Ê đê, M’ Nông có cà đắng cá khô, rau rừng, canh bột lá jao, cá suối nướng thì đối với dân tộc Thái có xôi nếp cẩm, thịt trâu gác bếp,… Tại nhiều buôn làng, du khách được chủ nhà hướng dẫn tự tay nấu món ăn, nếm và nướng cá, nướng gà.
Về di tích lịch sử, Đắk Lắk hiện có 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó có thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ như Bảo tàng Đắk Lắk, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Khu căn cứ cách mạng H9- huyện Krông Bông… Những bảo tàng tư nhân thu hút được rất nhiều khách du lịch như Bảo tàng thế giới cà phê (Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) giới thiệu về cà phê chuyên sâu và tổ chức nhiều sự kiện quảng bá về cà phê; Bảo tàng Ama H’Mai – bảo tàng cá nhân lưu giữ các vật dụng mây tre, nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Tây nguyên… Đây chính là những tiềm năng văn hoá dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch văn hoá.
Có thể khẳng định rằng, văn hoá và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển. Văn hoá là nền tảng để phát triển du lịch và góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hoá bản địa. Chính vì thế, du lịch văn hoá ở Đắk Lắklà một loại hình du lịch phổ biến và được khách du lịch ưa thích với mục đích khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hoá khác biệt, nhất là văn hoá Tây Nguyên.
Để phát triển du lịch bền vững
Du lịch được xem là phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hoá có hiệu quả lâu dài, là cầu nối ngắn ngắn nhất để nối kết các dân tộc lại với nhau, là nhịp cầu nối các nền văn hoá cùng một đất nước hay rộng hơn cả thế giới lại với nhau. Đồng thời, muốn du lịch phát triển bền vững thì trên sự khai thác các giá trị tài nguyên du lịch phải hiệu quả, mang bản sắc riêng không bị trùng lặp với nơi nào khác.
Sự phát triển của du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trong du lịch cộng đồng là tín hiệu tích cực cho phát triển du lịch bền vững tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Việc phát triển các hoạt động du lịch là nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại và cần thiết để thu hút khách du lịch trong khi nền tảng của loại hình dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc văn hoá du lịch.
Thực trạng du lịch hiện nay tại Đắk Lắk nói riêng và Tây nguyên nói chung còn mang tính tự phát, hoặc nếu có tổ chức thì còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thật sự đồng bộ; còn tập trung khai thác vào tài nguyên thiên nhiên theo thời điểm mà chưa tập trung theo chiều sâu. Vì thế, tính bền vững của du lịch tại đây chưa cao, một số nơi sau một thời gian khai thác, hệ luỵ để lại là ô nhiễm môi trường, sau một thời gian khai thác cạn kiệt thì đành đóng cửa, ví dụ như như cụm thác nước Krông Kmar, huyện Krông Bông.
Để phát triển du lịch bền vững tại Đắk Lắk, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà-phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh…
Định hướng đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng, di tích văn hoá, lịch sử, làng nghề.
Kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp với du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; tập trung xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà-phê của thế giới”.
Việc xác định những địa điểm trọng điểm du lịch để tập trung hỗ trợ hoặc đầu tư bài bản là điều mà Đắk Lắk đang triển khai, trong đó chú trọng yếu tố văn hoá, ẩm thực, âm nhạc và cảnh quan đảm bảo tính truyền thống và giữ được bản sắc. Năm 2022, Đắk Lắk chọn các điểm buôn du lịch là Buôn Ako Dhong (TP Buôn Ma Thuột) để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, tập huấn và tổ chức giới thiệu tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, số kinh phí gần 850.000.000 đồng. Dự kiến năm 2023, Đắk Lắk tiếp tục hỗ trợ cho các buôn du lịch như Buôn Kuốp (xã Dray Sáp), buôn Trí (xã Krông Na, Huyện Buôn Đôn) gần 2,1 tỉ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tập huấn và tổ chức các hoạt động tái hiện lễ hội truyền thống.
Thứ hai, cần xây dựng đặc trưng du lịch từng địa điểm.
Để thu hút khách du lịch thì mỗi địa phương phải có chiến lược thiết kế các hình thức du lịch độc đáo và đặc trưng của từng vùng miền. Nghiên cứu và chọn thế mạnh của địa phương mình trở thành điểm mạnh trong hoạt động trải nghiệm văn hoá. Muốn làm được điều đó phải có sự kết nối và đồng thuận trong người dân.
Xây dựng du lịch của địa phương phù hợp với điều kiện của các dân tộc trên địa bàn. Hoạch định chiến lược ở mọi lĩnh vực như văn hoá, đời sống, nhà cửa, giao thông, an ninh,… Có như thế khách du lịch mới có nhu cầu khám phá từ nơi này đến nơi khác và luôn cảm thấy chưa đủ để còn quay lại.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông về du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn hiện nay, một mặt chính quyền địa phương tập trung cho các chiến lược quảng bá nhưng mặt khác các điểm du lịch, lưu trú phải không ngừng nâng cao chất lượng, dịch vụ và quảng bá để thu hút sự quan tâm của du khách.
Sự kết nối giữa chính quyền, địa phương, người dân và khách du lịch là những mắc xích vô cùng quan trọng để tạo nên thành công cho du lịch từng vùng, từng cảnh đẹp của địa phương. Thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh và trong đó, kênh sáng tác văn học nghệ thuật để góp phần giới thiệu quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, văn hoá các dân tộc bản địa tại Đắk Lắk đến với công chúng./.
Theo vhttdl.daklak.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/gia-tri-van-hoa-ban-dia-dak-lak-trong-phat-trien-du-lich-sinh-thai-vung-tay-nguyen-a27977.html