Trước đây, Yên Thế và Tân Yên là một huyện. Mãi tới năm 1957 vùng Yên Thế hạ mới tách ra thành huyện Tân Yên. Xã Tân Trung thuộc Tân Yên ngày nay - nơi tôi sinh ra và lớn lên - Vinh dự là nơi làm lễ Tế cờ của cụ Đề Nắm (Lương Văn Nắm) phát động cuộc khởi nghĩa Yên Thế tại Đình Hả năm 1884. Khi khi thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hạt năm 1892, Hoàng Hoa Thám mới thay thế là thủ lĩnh tiếp theo của cuộc khởi nghĩa...
Chúng tôi luôn tự hào mình là một người con của quê hương Yên Thế! Nhân kỷ niệm tròn 140 năm người dân quê tôi dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp (1884 - 2024), xin được giới thiệu một bài viết của đồng nghiệp Lê Chín, tiết lộ những kỷ niệm về bà Hoàng Thị Thế, người con gái của Hoàng Hoa Thám với người mẹ họ Đặng: cụ bà Đặng Thị Nho (tức Nhu, ? - 1910) đã từ Pháp trở về Việt Nam sống và làm việc thời bao cấp như thế nào...
Năm 1962, Cơ quan ba tôi tiếp nhận một nhân viên mới. Theo ba, đó là một phụ nữ đặc biệt. Bọn trẻ chúng tôi tò mò muốn biết đấy là ai, ba bảo: “Đấy là bà Hoàng Thị Thế, con gái Cụ Hoàng Hoa Thám!”.
1. Trong bữa cơm, anh Lê Hồng Việt - anh trai cả của chúng tôi, đang công tác bên Tuyên giáo Tỉnh ủy - nắm bắt rất nhiều thông tin nên kể thêm: “Việc đưa bà về Việt Nam không dễ đâu. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã sai vợ Ngô Đình Nhu (em ruột Diệm) nhiều lần sang thuyết phục bà về Sài Gòn nhưng không thành. Nắm được thông tin này, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại đã thân chinh sang gặp bà và thuyết phục, vì đây là lợi thế chính trị của Cụ Đề Thám - người anh hùng của dân tộc Việt Nam. Bà đã đồng ý về với ta đấy”.
Hình như mấy ngày vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) tiếp nhận bà Hoàng Thị Thế về nên ba tôi là Phó Chủ tịch, có phần bận rộn hơn. Hôm nào cũng về muộn, cả nhà cứ phải đợi cơm. Như để giải thích việc này, ba thổ lộ: “Mấy hôm nay, công việc cứ bị đảo lộn hết. Ông Chinh - Chủ tịch Mặt trận - phải nhường phòng làm việc cho bà Thế ở, mọi người đều dồn vào một nơi. Khách từ các huyện về, không có chỗ tiếp, trông nhếch nhác quá!”. Rồi ba phàn nàn: “Đang ở nơi sung sướng, lại đưa về đây, làm khổ bà ấy. Cái gì cũng thiếu, cũng lạ. Từ cái rổ đựng rau, cái nồi nấu cơm đến cái bô đi vệ sinh, cơ quan phải mua sắm thật tươm tất. Bà ấy cứ loay hoay với cái bếp củi khói bay nghi ngút, trông đến tội. Mà nhiều người còn tò mò muốn vào để biết mặt nữa chứ”.
Thế rồi trời lại mưa dầm dề, ba bảo bọn trẻ chúng tôi: “Mai là ngày nghỉ, các con vào đấy xem có việc gì giúp bà Thế nhé! Có người có tiếng cho bà ấy vui. Nhất là tiếng “ta” chưa thạo. Đôi khi bí quá, bà đã tuôn ra hàng tràng tiếng Tây, mọi người chẳng hiểu bà ấy muốn gì”.
2. Hôm nay là chủ nhật, trời nắng đẹp, mấy chị em rất vui vì được ba cho phép vào cơ quan. Vừa bước vào sân, chúng tôi đã thấy một người đàn bà cao to, da trắng trẻo, mặc áo hai dây, quần soóc trắng, dáng dấp như Tây. Hình như bà đang khó nhọc kéo những chiếc valy đầy tú hụ từ gầm giường ra thì phải. Thấy chúng tôi, bà dừng tay nói rất chậm rãi: “Ta chào các cháu!”. Chúng tôi đồng thanh chào lại: “Chúng cháu chào bà ạ!”. Mặc dù tiếng Việt chưa thạo, nhưng bằng cách ra hiệu của bà, chúng tôi đã hiểu được tất cả. Sau đó, bốn chiếc valy đựng đầy những đôi giầy và bộ đầm được đem xuống sân, tải ra phơi rất cẩn thận. Có đến hàng mấy chục đôi giầy, cái nào cũng long lanh, nhìn hoa cả mắt. Những bộ đồ đầm đẹp không sao tả xiết. Có cái được đính kim sa như trang phục của công chúa trong phim. Em gái tôi vừa lấy một đôi giầy cao gót của bà đi trệu trạo giữa sân vừa ngây thơ hỏi: “Bà mua nhiều thế này dùng bao giờ mới hết hả bà?”. Bà Thế chậm rãi, lựa từng từ để giải thích: “Ta dùng nó để đi khiêu vũ, đi đóng phim cơ mà!”. À ra thế! Nhưng ở cái Thị xã Bắc Giang này, nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, đất đỏ văng lên tận lưng áo, bà mặc những thứ đó thì phí thật. Tôi nghĩ như thế.
Phơi phóng xong, cả bọn kéo vào phòng. Bà nhìn chúng tôi rất âu yếm. Hình như từ ngày về đây, bà chưa được tiếp xúc với ai thoải mái, thân thiện như lũ trẻ này. Trên tường có treo bức tranh vẽ một tố nữ đang thổi sáo dưới rặng tre, phía sau là ánh trăng rằm mờ ảo, chúng tôi cùng chăm chắm nhìn. Bà giải thích với nét mặt rạng ngời: “Ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng ta đấy!”. Rồi bà chép miệng, mặt thoáng buồn: “Đấy! Chưa thấy (thấy chưa)! Ta được ngài Thủ tướng yêu quý thế, có phải là giặc Pháp đâu mà ai cũng canh gác (cảnh giác) ta!”. Cả bọn vô ý cười ồ lên. Em gái tôi giọng lanh lảnh, sửa lại ngôn từ cho bà. Một chút khó nhọc, bà vừa gật đầu vừa nhắc lại rành rọt “cảnh giác, cảnh giác”. Buổi đầu mới làm quen, nghe được chút tâm sự của bà, tôi thấy thương thương. Mang tiếng là về với nơi chôn nhau cắt rốn mà sao bà lạc lõng, cô đơn thế. Được biết, các bác trong cơ quan thấy cách ăn mặc của bà có phần chướng mắt nên khó chịu ra mặt. Những lần có việc đi ra đường, mọi người cứ nhìn bà với con mắt tò mò, dò xét. Riêng em gái tôi, sau cái hôm vào cơ quan ba đó, nó cứ lần theo bà từng bước như thám tử, sợ bà bị bắt nạt, và giúp bà nói tiếng mẹ đẻ cho chuẩn. Thấy bóng bà ngoài chợ là nó biết ý, đưa ngay đến chỗ cô hàng trứng, thứ bà thích nhất. Nó mặc cả giúp bà, rồi một trẻ một già líu lô suốt dọc đường. Một hôm trong bữa cơm, em tôi thắc mắc: “Ba ơi! Sao có nhiều người già chống gậy, đi chân đất đến cửa cơ quan cứ đòi gặp bà Thế. Bà ấy nhăn mặt và bảo: “Ta không phải là đề chủ (địa chủ) nên làm gì có nhiều tiền”. Bà có vẻ buồn, ngồi thừ mặt ra đấy ba ạ”. Anh Hồng Việt lại thay ba giải thích cho chúng tôi: “Họ là nghĩa quân Yên Thế rất trung thành của Cụ Đề Thám năm xưa. Trong số họ, có người đã từng bế ẵm bà Thế ở đồn Phồn Xương để mẹ bà là bà Ba Cẩn cùng chồng - ông Hoàng Hoa Thám luồn rừng vượt suối truy đuổi tiêu diệt quân Pháp đấy”.
3. Những lần sau, chúng tôi vào cơ quan chơi, bà vui vẻ lấy quyển album ra khoe: “Đây là lúc ta 5 tuổi, ở đồn Phồn Xương đấy!”. Quả thật, ngày còn bé tí ngồi cạnh bố, bà đã xinh như một công chúa rồi. Có những bức chân dung bà mặc đồ Tàu, hệt gái Thượng Hải, trông bà thật đài các. Bà chậm rãi giải thích: “Ta được mời đi đóng phim đấy! Lúc là người Trung Hoa, lúc là người phương Tây!”. Cả bọn trố mắt nhìn, hình như mình đang ngồi trước một ngôi sao màn bạc chứ không phải con gái của một Thủ lĩnh Yên Thế năm nào. Nhưng rồi, bà chợt buồn khi cho chúng tôi xem tấm ảnh một cậu bé Tây tóc vàng hoe thật dễ thương: “Đây là Jean Marie Bourges, con trai ta, nó đang ở Bordeaux bên Pháp”.
Sau một thời gian về Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Bắc, bà Hoàng Thị Thế đã quen dần với cái nghèo cái khổ của Thị xã Bắc Giang này. Mọi người cũng đã quen tác phong Tây của bà, không xa lánh kì thị như trước nữa. Đã đến lúc phải bố trí cho bà một công việc để có đồng lương như những người cán bộ khác. Nhưng đặt bà vào đâu cho thích hợp, xứng đáng với danh giá là con của người Anh hùng dân tộc là điều khó nghĩ của các bác lãnh đạo. Ba hay kể với anh tôi như vậy. Là người của Mặt trận, trước hết phải làm việc ở Mặt trận. Nhưng ở đây phải biết cổ vũ tinh thần đại đoàn đoàn kết các dân tộc, tôn giáo. Với bà tiếng Việt mới đủ để giao tiếp còn khoản lắt léo éo le làm sao biết hết được, không khéo chữ “tác ra chữ tộ” là nguy to. Ba lại sang Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, hy vọng bên ấy sẽ tiếp nhận bà. Nhưng họ kiên quyết từ chối, với lý do là: “Phụ nữ tỉnh đang như nước sôi lửa bỏng. Hàng ngày, họ phải xuống các xã kêu gọi thanh niên đi tòng quân, đi thăm hỏi tặng quà những thương binh nặng từ chiến trường miền Nam ra. Hơn nữa, phong trào sinh đẻ có kế hoạch trên đã giao chỉ tiêu rồi, bà ấy làm sao đi vận động được”.
4. Rồi một hôm đi làm về, anh trai tôi thông báo với ba: “Ty Văn hóa tỉnh sắp khai trương thư viện. Con biết rất nhiều người muốn được vào đấy. Ba sang bên Ty, điều đình ngay. Vị trí này thích hợp với bà ấy nhất!”.
Và bà Hoàng Thị Thế trở thành thủ thư đầu tiên của Thư viện Hà Bắc. “Cẩn tắc vô ấy náy”, ba đưa chị gái Tường Thơm của tôi là học sinh cấp 3 vào giúp thêm cho bà. Nhất là khâu khuân vác, leo trèo lấy xuống, hoặc đặt sách lên giá, chị làm ro ro. Ở tuổi gần 60, bà Thế làm sao kham được. Hơn nữa, tiếng mẹ đẻ nếu bà còn vấp váp chỗ nào, đã có chị tôi đỡ.
Là những con mọt sách, chúng tôi chỉ chăm chăm đến ngày nghỉ học là chạy ào vào thư viện đọc ngấu nghiến. Thấy chúng tôi, bà rất vui và mời: “Các cháu vào đọc đi! Sách hay lắm!”. Tôi liếc nhanh thấy trên bàn bà có quyển “Không gia đình”của Hector Malot và “Những người khốn khổ” của Victor Hugo bằng tiếng Pháp. Ồ! Bà cũng là người mê sách đến thế cơ à! Tôi chưa được đọc hai tác phẩm này bao giờ, nhưng nghe anh trai kể qua, đã thấy mê lắm rồi. Tôi trộm nghĩ: Bà hợp với công việc này quá! Và hy vọng những quyển sách đó sẽ giúp bà gặp lại cậu bé Rêmi với gánh xiếc của cụ Vitali, chú chó Capi và “ngài” Giôlicơ, những kẻ không gia đình tội nghiệp. Một Côdet khốn khổ từ thuở ấu thơ đã được ông Giăng Van Giăng cũng là một người khốn khổ, nuôi nấng che chở. Phải chăng, họ có nét gì đó giống thời thơ ấu của bà?
Không ngờ, cũng từ thư viện này, bà Hoàng Thị Thế đã âm thầm đặt bút viết những trang hồi ký “Kỷ niệm thời thơ ấu” đầu tiên của mình bằng tiếng Pháp. Bà túc tắc viết gần 10 năm trời. Quyển hồi ký đã đến tay thi sĩ tài hoa Hoàng Cầm. Với bút danh Lê Kỳ Anh, ông đã dịch ra tiếng Việt rất tuyệt vời. Năm 1975, Ty Văn hóa Hà Bắc đã xuất bản và nhanh chóng đến tay bạn đọc. Được biết, tháng 10.2017, nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã tái bản quyển sách này, dày 200 trang. Đây là quyển sách quý giá dành tặng cho những ai quan tâm và yêu thích lịch sử Việt Nam. Từ đây, tấm màn bí mật về cuộc đời bà đã được hé mở.
5. Bà Hoàng Thị Thế sinh ngày 31.1.1901 ngay ở Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang. Đây là đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Bà còn có em trai là Hoàng Hoa Phồn (Hoàng Văn Vi) sinh năm 1908 cũng tại mảnh đất này. Bà là con của ông Hoàng Hoa Thám và bà Đặng Thị Nhu (tức Nho). Người ta quen gọi là bà Ba Cẩn. Bà Cẩn là cộng sự đắc lực của chồng. Bà không chỉ giỏi phi ngựa, cung kiếm mà còn đẹp nức tiếng một vùng. Bà Hoàng Thị Thế đã bộc lộ những nét khác thường ngay từ tuổi ấu thơ. Lúc lên 3 tuổi, bà đã được hứa hôn với Hoàng tử Trung Hoa. Đến tháng 6.1909, cả hai mẹ con bị Pháp bắt. Chúng đã đem bà Ba Cẩn về giam tại Hỏa Lò và sau đó đưa đi đày ở đảo Guam (thuộc địa Pháp lúc bấy giờ). Không chịu nhục, bà đã nhảy xuống biển tự tử. Ban đầu, bà Thế do một người Pháp tên là Bouchet nuôi. Sau đó không lâu lại đưa xuống Hải Phòng cho ông Nguyễn Hữu Thu - một nhà tư sản - chăm sóc tiếp. Năm 1913, khởi nghĩa Yên Thế thất bại, giặc Pháp đã cho người thủ tiêu Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám - linh hồn của cuộc khởi nghĩa - một cách dã man. (Mặc dù đã cất công tìm kiếm, nhưng cho đến nay, mộ ông đang ở đâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ). Hai chị em bà đã mồ côi cha mẹ từ thuở ấu thơ và cũng ly tán từ đấy.
Năm 1917, toàn quyền Đông Dương Albert Saraut biết được gia cảnh của bà và nhận bà làm con nuôi, bí mật đưa ngay về Pháp với cái tên Marie Beatrice Destham. Bà học trường Tây. Sau khi nhận bằng tú tài, bà lại được đưa về Việt Nam và làm thủ thư cho Phủ thống sứ Bắc kỳ. Năm 1927, hình như sợ lộ tung tích của bà, toàn quyền Đông dương lại đưa trở lại Pháp. Đi đâu cũng giới thiệu bà là “công chúa”. Ngài Paul Doumer, sau khi trở thành Tổng thống Cộng hòa Pháp, cũng đã nhận đỡ đầu bà Hoàng Thị Thế và cho một khoản trợ cấp. Bà xinh đẹp lộng lẫy và bắt đầu làm quen với phim trường từ năm 1930. Phim đầu tiên bà vào vai công chúa của Trung Hoa với cái tên Li Li rất dễ thương. Năm 1931, bà kết hôn với ông Robent Bourges người Pháp gốc Bỉ. Bà sinh hạ cậu con trai Jean Marie Bourges vào năm 1935. Cuộc hôn nhân tồn tại không lâu, đến năm 1940, họ đã mỗi người một ngả. Bà làm đủ các nghề như thủ thư, đóng phim, chụp ảnh làm người mẫu, cắt tóc và có tài bói bài Tây.
6. Mùa thu 1987 khi đi dạo ở Bờ Hồ, từ xa, tôi đã nhận ra bà Hoàng Thị Thế. Trong bộ lụa tơ tằm trắng muốt, tóc cũng trắng như mây, tay cầm batoong, giống như bà tiên giáng trần, đang thong thong dạo phố. Tôi chạy ào đến ôm bà và giới thiệu về mình. Tĩnh tâm một lúc, bà như sực nhớ ra, reo lên sung sướng: “Ố la la! Cháu là con gái anh Lê Dương à? Bây giờ anh ở đâu? Ta nhớ anh quá! Ta đang ở khu tập thể Văn Chương...”. “Dạ, ba má cháu ở Đà Nẵng, vẫn nhắc tới bà luôn đấy!”. Không ngờ đây là lần gặp cuối cùng giữa tôi với bà. Chỉ hơn một năm sau, ngày 9.12.1988, bà đã về trời. Đêm đó, tôi không sao ngủ được. Hình ảnh gần 30 năm trước cứ hiện về. Bà ngồi như một pho tượng dưới mái hiên. Chiếc tẩu thuốc nhả khói trong đêm u tịch cuốn theo nỗi buồn thăng trầm một đời người. Những tờ giấy pơluya trắng muốt lai láng tình cảm bà viết cho ba tôi như đang bay bay trước gió. Con mèo vàng ươm mang từ Pháp về bà tặng ba hình như vẫn đang nằm phơi nắng ngoài kia. Và nhớ quá, những ngày đầu tiên mấy chị em tôi líu lô dạy bà nói tiếng mẹ đẻ...
Rồi như một câu chuyện dài kết thúc có hậu. Cậu con trai bé bỏng ngày nào nay đã bước qua tuổi 80, dẫn con cháu về đây tìm lại cội nguồn và thắp hương cho mẹ: Bà Hoàng Thị Thế - người con gái của “Hùm thiêng Yên Thế”. Bà có vận mệnh khác thường từ những ngày còn tấm bé.
Trái Tim Người Lính (sưu tầm)