Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật

Sáng 13/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo; Văn phòng Chính phủ; Vụ Đào tạo; Vụ Pháp chế.

toan-canh-hop-2-1713841044535738-1710334359.jpg
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì cuộc họp

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, ngày 7/3 vừa qua, Bộ VHTTDL đã họp với đại diện các Bộ: Giáo dục- Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Tại cuộc họp này, có nhiều ý kiến về việc cần đặc thù cho giáo dục đại học, trung cấp trong đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, cần bổ sung thêm các danh từ, từ ngữ đặc thù của khối trung cấp.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, "hiện nay, các trường trung cấp nghệ thuật đang giảng dạy văn hóa theo mô hình giáo dục thường xuyên. Nếu việc học văn hóa không đảm bảo, sẽ khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như đảm bảo cho các học sinh, các trường đang tuân thủ theo quy định, có thi, có mã định danh.

Hiện tại, cần đặt vấn đề đặc thù cho đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Ảnh hưởng đến cả hệ thống đào tạo tài năng, văn hóa nghệ thuật, Bộ VHTTDL thấy trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, tương lai của đất nước".

Cũng theo Thứ trưởng, Luật Đại học đã được ban hành và rất hiệu quả, nhưng thực tế hiện trạng trong đào tạo tài năng của Bộ VHTTDL lại vướng mắc. "Đây là vấn đề con người nên cần thiết phải có sự nghiên cứu. Các sinh viên, học sinh trường nghệ thuật phải đạt được trình độ tối thiểu, điều đó phù hợp với chiến lược của Đảng, Nhà nước. Vì thế, cần thiết xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật sao cho phù hợp thực tiễn và tháo gỡ được những vướng mắc"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Ngày 19 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sau đây viết tắt là Luật số 34/2018/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019, trong đó có giao Chính phủ quy định chi tiết về trình độ đào tạo, văn bằng, chứng chỉ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, cụ thể: Tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật giáo dục đại học về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học trong đó quy định: "Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù".

Thực tế trong quá trình thực hiện đối với các văn bản Luật và Nghị định cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế đối với hoạt động giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Cụ thể:

Tại khoản 5 Điều 3, Khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014) quy định các cơ sở giáo dục đại học được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo luật định, Tuy nhiên, ngày 14/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt đang trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định này, quy định: Cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, khi có đủ các điều kiện sau đây: Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành... Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định: Trường đại học, học viện là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Theo các quy định nêu trên, chỉ quy định cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) thuộc danh mục ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, không quy định cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp. Điều này, gây khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam và hội nhập quốc tế. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc quy định các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cần được đưa vào Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật trên cơ sở cụ thể hóa điểm 4, khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

Tại khoản 2 điều 13 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo biên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo... Theo quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp nêu trên dẫn đến tình trạng bất cập, không phù hợp với thực tế đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù. Vì vậy, thời gian đào tạo trình độ trung cấp cần được quy định trong Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trên cơ sở cụ thể hóa khoản 3 điều 6 Luật Giáo dục năm 2019.

Đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, vì vậy, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết. Để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định đã quy định nhiệm vụ của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo đối với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật theo Luật định.

Đào tạo nghệ thuật có tính đặc thù ngay từ công tác tuyển sinh đến quy trình đào tạo. Cụ thể: Học sinh theo học các ngành nghệ thuật đều phải có năng khiếu được tuyển chọn từ khi còn nhỏ, đào tạo liên tục trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Vì vậy, thời gian đào tạo trung cấp thường từ 3 - 9 năm, tùy vào tính đặc thù của ngành/nghề đào tạo. Đào tạo nghệ thuật là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành mang tính truyền nghề, tạo cho các em phát huy khả năng sáng tạo cao.

Bên cạnh việc học chuyên môn, học sinh phải học đồng thời chương trình văn hóa phổ thông. Do đặc thù của nghề nghiệp, có những ngành không đào tạo ở trình độ đại học mà chủ yếu đào tạo ở trình độ trung cấp. Có thể khẳng định rằng mô hình đào tạo trung cấp dài hạn kết hợp học các môn văn hóa phổ thông với chuyên môn nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật từ trước đến nay phù hợp với tính đặc thù của ngành đào tạo đã đạt hiệu quả cao, đào tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước và sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế.

Đồng thời, nhiều học sinh đoạt giải tại các kỳ thi nghệ thuật trong nước, quốc tế tập trung ở học sinh theo học trung cấp trong các cơ sở giáo dục này. Do đó, đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ trung cấp cần được tiếp tục có thời gian đào tạo từ 3 năm đến 9 năm và được quy định trong Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.

Từ hàng chục năm nay, tiêu chí dự thi đại học của các cơ sở giáo dục đại học các ngành nghệ thuật như: âm nhạc, múa, sân khấu... trình độ đại học, ngoài những quy định chung, thí sinh dự thi phải có trình độ trung cấp hoặc năng khiếu tương đương phù hợp với ngành/chuyên môn đào tạo. Vì vậy, một số cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật đã đào tạo đồng thời các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. Mô hình đào tạo trung cấp kết hợp học các môn văn hóa phổ thông với chuyên môn nghệ thuật được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện rất hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho học sinh thực hiện đồng thời cả 02 nhiệm vụ, vừa học văn hóa và học chuyên môn ngay tại trường.

Đào tạo ở trung cấp lĩnh vực nghệ thuật, ngoài cung cấp nhân lực hoạt động cho xã hội, đào tạo tài năng cho đất nước, đồng thời bậc đào tạo này còn tạo nguồn tuyển ở trình độ đại học cho chính các cơ sở giáo dục đại học. Học sinh học trung cấp ở các cơ sở giáo dục đại học này luôn được đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị, chuyên gia, nghệ sĩ tài năng có trình độ cao, giỏi về chuyên môn, uy tín nghề nghiệp giảng dạy nhằm phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, khả năng bẩm sinh của học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Trên cơ sở đó đề ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm phát huy tính sáng tạo, phát triển tư duy và cảm thụ nghệ thuật của người học.

Đồng thời, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn tạo điều kiện, cơ hội để học sinh tham gia thực tập biểu diễn với các nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc giới thiệu tham dự các cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế, nhằm giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp... Có những giảng viên giảng dạy đồng thời cùng một lúc ở cả trình độ trung cấp, đại học và sau đại học.

Do đặc thù ngành đào tạo nên quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học nghệ thuật rất thấp, tuyển sinh, đào tạo chú trọng đến chất lượng, không ưu tiên số lượng, vì vậy, học sinh đoạt giải tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp, có uy tín ở trong nước và quốc tế chủ yếu tập trung vào các học sinh đang theo học trung cấp ở các cơ sở giáo dục đại học này.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, các cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu lĩnh vực nghệ thuật là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật của đất nước và mô hình đào tạo này rất hiệu quả, đã và đang khẳng định được vị thế, chỗ đứng của nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật còn có trách nhiệm bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc thông qua công tác đào tạo và thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong đào tạo. Hiện nay, một số nước như: Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… cũng đang đào tạo theo mô hình đào tạo trung cấp, cao đẳng trong trường đại học, học viện.

Theo Bộ GDĐT, những khó khăn, vướng mắc của ngành văn hóa, nghệ thuật trong cơ chế đào tạo hiện nay rất cần cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, cần thiết phải cho sự phối hợp trong xây dựng Nghị định của các cơ quan thẩm quyền.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật thực sự cần thiết.

"Tất cả ngành đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cần một quyết sách như Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật. Nghị định là cơ sở quan trọng để thúc đẩy cho đào tạo tài năng của Việt Nam. Chúng ta nên có cái nhìn sát với thực tiễn, sự cần thiết về đào tạo kiến thức, nâng cao chất lượng học sinh, đảm bảo quyền lợi của học sinh, phụ huynh, từ đó có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật"- Thứ trưởng chia sẻ./.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-dao-tao-cac-nganh-nghe-chuyen-sau-dac-thu-trong-linh-vuc-nghe-thuat-a27943.html