Trong các lễ hội của người Bru Vân Kiều không thể thiếu bình rượu cần
Người Bru Vân Kiều sống rải rác lưng chừng núi ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa của huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Họ vẫn gìn giữ bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa vật chất, tinh thần rất phong phú. Những truyền thống và mỹ tục trong các lễ hội, lễ cưới, ma chay được duy trì qua hơn trăm năm… Trong tất cả những lễ này, bà còn đều tổ chức uống rượu cần.
Rượu cần do bà con tự làm, là loại rượu được ủ bằng loại men, không qua chưng cất. Men làm rượu cần, được hái từ các loại lá, rễ cây rừng, vỏ rễ cây rừng có tinh dầu đưa về giã, nấu lên lấy nước thuốc trộn với bột gạo nếp, tẻ (hoặc sắn, ngô, kê, hạt ý dĩ, bo bo), sau vê thành viên to bằng chiếc bát ăn cơm. Mỗi loại có một hương vị riêng nhưng ngon nhất là nếp cẩm. Chỉ có phụ nữ mới được đi hái các loại rễ này. Trước khi đi hái, người đó phải kiêng ngày có tháng của phụ nữ, không ăn chua quá, không ăn đồ tanh, đồ hôi thối mà phải ăn đồ ngọt như chuối, mật ong, hoa quả thơm... Theo đồng bào, như thế mới làm ra được loại men thơm để ủ rượu cần.
Sau khi có men, gia đình nấu cơm nếp hoặc tẻ, trải ra nong nia cho nguội, giã mịn men trộn với cơm, đưa vào ủ 10-15 ngày. Một mẻ rượu cần chỉ cần 1-2 viên men. Nếu là gạo nếp thì phải hông lên, để nguội rồi trộn với men. Đối với sắn thì phải bóc vỏ ngâm ở suối 3 ngày cho hết độc tố. Khi trộn xong cho vào thúng hoặc đồ đựng để ủ khoảng một tuần nghe mùi thơm đem trộn với trấu đã rửa sạch phơi khô và cho vào ché, hũ lấy lá chuối rừng bịt kín. Ủ khoảng 25- 30 ngày là uống được. Nếu muốn rượu ngon hơn thì đưa chôn vào đất khoảng 3 tháng. Nước để chêm vào uống được lấy ở suối đầu nguồn.
Khi uống, nước được đựng trong quả bầu khô hoặc ống bằng tre nứa, chêm vào hũ bằng một chiếc sừng trâu đã cưa đục ngang hông. Trong lễ hội, cả chủ và khách cùng mở ché rượu sau lời đọc khấn của thầy mo cầu chúc cho gia chủ và khách sức khỏe may mắn. Chủ nhà uống trước và mời khách. Khách đỡ lấy cần cùng uống với gia chủ và nói lời cảm ơn (xạ thủ).
Uống rượu cần được xem là nét đẹp văn hóa mà ở đó tất cả mọi người uống đều không phân biệt đẳng cấp. Nó phản ánh tinh thần cộng đồng và là vật hiến tế thần linh, họ cho rằng trời là đấng tối cao ban cho họ sức khỏe và những thuần phong, mỹ tục. Để có ché, hũ rượu ngon, phải hội đủ hương vị ngọt, đắng, khi uống vào có cảm giác nồng ấm, sảng khoái, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Rượu cần thơm ngon, mát bổ vì được làm từ những loại lá, rễ cây có tinh dầu như gừng, riềng, một số loại thuốc nam... là một loại đồ uống quý mà người Bru Vân Kiều dùng để hiến tế thần linh.
Rượu cần là nét sinh hoạt văn hóa đẹp chỉ có trong lễ hội và các lễ thức của người Bru Vân Kiều, dùng tiếp đãi bạn bè đặt trong không gian trang trọng của ngôi nhà bên bếp lửa bập bùng. Khách và chủ cùng quây quần nhảy múa, hát, thổi khèn bè, một số người ngồi xếp vòng tròn vít cong cần bằng ống nứa nhỏ xuyên lổ hút rượu. Đây chính là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và bản sắc văn hóa đã được người Bru Vân Kiều gìn giữ bao đời.
Theo Dân Tộc Việt