Nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định 375/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống Nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước. Đến nay, Bình Phước có hai Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống.

thimuong-3342-1710292009.jpg
Bà Thị Mương bên khung dệt. Ảnh: phunubinhphuoc.org.vn

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, việc di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể Quốc gia là cơ sở pháp lý quan trọng, là động lực để đẩy mạnh công tác bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị di sản; đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức và sự tham gia của cộng đồng đối với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Trước đó, tháng 5/2023, Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông tỉnh Bình Phước cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 41 dân tộc thiểu số với khoảng 200.000 người, chiếm 20% dân số toàn tỉnh, trong đó người dân tộc S’tiêng có khoảng 100.000 người. Đồng bào S’tiêng Bình Phước được xem là người dân tộc bản địa, sống lâu đời tại các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, các thị xã Bình Long, Phước Long.

Sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là nơi đồng bào S’tiêng quần cư, với lối sinh hoạt, phong tục, tập quán riêng. Người S'tiêng lấy sản xuất nông, lâm nghiệp làm nghề chính để mưu sinh, sử dụng sắc thái văn hóa truyền thống bằng làn điệu dân ca, điệu nhạc cồng chiêng, làm nền tảng sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, tỉnh có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội truyền thống Lễ hội Miếu Bà Rá thị xã Phước Long; Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ hội Dua Tpeng (Phá Bàu) của người Khmer xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh; Lễ hội truyền thống Lễ hội Cầu bông của người Kinh (huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, huyện Bù Đăng, thị xã Bình Long); Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông; Nghề đan gùi của người S'tiêng (huyện Bù Đăng, huyện Bù Gia Mập, huyện Hớn Quản, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước.

Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó các dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời. Để tồn tại, thích nghi và phát triển, những cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Phước đã cải tạo tự nhiên, tạo lập nên đời sống văn hóa, tập quán lao động, sinh hoạt, kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc.

Theo TTXVN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-det-tho-cam-cua-nguoi-stieng-tinh-binh-phuoc-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-a27938.html