Di Linh tiếp tục phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn sinh học

Huyện Di Linh vừa xác định nhiều nhóm giải pháp phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, đặc biệt đối với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.

cay-ca-phe-1710126446-1710205718.jpg
Huyện Di Linh tiếp tục phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn sinh học

Đến nay, Cụm công nghiệp Gia Hiệp với tổng diện tích 172.172 m2 đất cho thuê sau khi điều chỉnh quy hoạch, còn lại diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, trung tâm điều hành và đất giao thông, đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Cụ thể, 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp Gia Hiệp gồm: Công ty Cổ phần Hiệp Phú (khai thác và chế biến sét Bentonite); Công ty TNHH Nông nghiệp INOVA Đà Lạt (sản xuất, kinh doanh-xuất khẩu các loại cây giống, hạt giống hoa, sản phẩm nông nghiệp); Công ty TNHH Ôlam Việt Nam - Chi nhánh Lâm Đồng (thu mua -chế biến và xuất khẩu cà phê); Công ty TNHH KumNong Việt Nam (chế biến nông sản); Công ty TNHH Đá ốp lát Gia Hiệp - Bảo Nguyên (Khai thác đá, cắt tạo dáng và hoàn thiện đá).

Riêng về Cụm công nghiệp Tam Bố với diện tích đất theo quy hoạch hơn 22 ha. Trong đó, 3 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh 7,6 ha là: Nhà máy Phân bón Việt Mỹ - Chi nhánh Tam Bố, Di Linh (gần 5 ha); Trạm Trung chuyển xăng dầu V&R (gần 2.560 m2); Công ty TNHH Bê tông Đức Trọng (hơn 2,3 ha). Riêng Cụm công nghiệp Liên Đầm - Tân Châu, Gia Bắc, Hòa Ninh đã được bổ sung quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Huyện Di Linh cũng đồng thời khai thác có hiệu quả chợ nông thôn các xã Hòa Ninh, Đinh Lạc, Gia Hiệp, thị trấn Di Linh, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ Hòa Bắc, Tân Lâm, Liên Đầm và 3 siêu thị ở Hoà Ninh, Đinh Lạc, Gia Hiệp, đôn đốc chủ đầu tư tập trung xây dựng siêu thị Mọ Kọ... Ngoài ra, công trình Bến xe khách huyện Di Linh do Công ty TNHH Tá Lợi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng; 54 cửa hàng xăng dầu, 81 cửa hàng kinh doanh bán lẻ gas hoạt động ổn định. Riêng khu liên hợp thương mại, chủ đầu tư khởi công trong quý II năm 2022, tổng nguồn vốn khoảng 170,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong quý II năm 2024. 

Đồng thời, qua rà soát đến nay, 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Di Linh có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính. Có tất cả 16/19 tuyến với chiều dài 120,7 km được nhựa hóa, bê tông hóa. Riêng hệ thống giao thông nông thôn với 18/18 xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại; 87% đường thôn, bản, ấp và 79% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, vận chuyển hàng hóa thuận lợi quanh năm; 80% đường ngõ, xóm được cứng hóa.

Theo các ngành chuyên trách của huyện Di Linh, “Là khu vực khí hậu ôn hòa quanh năm, huyện Di Linh có nhiều tiềm năng phát triển đô thị sinh thái vùng cao nguyên. Huyện đang triển khai các dự án Khu du lịch Thác Bobla, xã Liên Đầm với tổng số vốn đầu tư 475 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng tại Tiểu khu 661A, 685, khu vực thác Liliang, xã Gung Ré; mô hình Làng Văn hoá truyền thống dân tộc K’Ho tại thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré; danh lam thắng cảnh hồ KaLa… Ngoài ra, huyện Di Linh đang thu hút những khách du thuyền trên sông Đồng Nai ở xã Đinh Trang Thượng; Giải Việt dã Brăh Yàng Trail ở xã Bảo Thuận; tham quan, dã ngoại tại các thác nước Phú Xuân (xã Gia Hiệp), thác nước 7 tầng (xã Tam Bố, xã Hòa Bắc), thác Liliang (xã Gung Ré), thác Liên Brong (xã Tân Thượng, thác Đạ K’ròn Noành (xã Gia Bắc)…”.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, định hướng năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Di Linh tiếp tục phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn sinh học; đẩy mạnh phát triển các vùng thâm canh, chuyên canh cây trồng chủ lực quy mô lớn, công nghệ cao, cơ giới hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, chống thoái hóa đất. Qua đó thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Trong đó thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển đổi nhanh diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoa màu khác, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Ngoài ra, UBND huyện Di Linh nhấn mạnh các nhóm giải pháp trọng tâm, “Đối với nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Di Linh ưu tiên cho các công trình trọng điểm, phát triển kết hợp chỉnh trang, mở rộng các tuyến đường trong quy hoạch để hoàn thiện không gian cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, huyện Di Linh tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải tập trung, đường giao thông nội bộ, các công trình công cộng, cây xanh, hệ thống điện, nước. Ngoài ra tiếp tục giải phóng mặt bằng, mở rộng quỹ đất theo quy hoạch đã phê duyệt và xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn”.

Hoài Trinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-linh-tiep-tuc-phat-huy-nguon-luc-tai-nguyen-thien-nhien-de-phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-va-an-toan-sinh-hoc-a27931.html