Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và các tài liệu lịch sử khác cho biết: Sát Hải Đại Vương tên thật là Hoàng Tá Thốn, hiệu là Tô Đại Liêu, sinh ngày 15 tháng 4 năm Giáp Dần (1254) tại Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Mẹ Ngài là người họ Trương thôn Lý Trai (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu). Chưa thấy tài liệu nào nói về cha Ngài. Ngài có sức khỏe phi thường, thông minh hơn người, đọc sách binh thư, binh pháp, tài cao biết rộng. Đặc biệt là có tài bơi lội, đi lại dưới nước như trên đất bằng.
Tương truyền, một buổi sáng tinh mơ, bà Trương Thị Hoa ra sông gánh nước, bỗng thấy hai con trâu vàng từ dưới nước nhảy lên đánh nhau dữ dội và lao đến chỗ bà. Bà vội cầm đòn gánh để đánh đuổi, đôi trâu lại nhảy xuống nước rồi biến mất. Trước khi gánh nước về nhà, bà không quên làm động tác tẩy uế đòn gánh. Nhưng lạ thay, bà vừa khỏa đầu đòn gánh xuống sông thì bỗng nhiên nước nơi đó khô cạn, nhưng khi bà cất đòn gánh thì nước lại đầy như thường. Thấy lạ, bà đưa gần lại nhìn thì thấy đầu đòn gánh có dính lông trâu vàng. Bà liền gom vật lạ ấy vào dải yếm rồi gánh nước về nhà (cũng có nơi nói lông trâu rơi vào thùng nước, bà uống phải). Sau đó, bà cảm thấy trong người khác thường rồi có thai. Ngày mãn nguyệt khai hoa, ánh hào quang bỗng tỏa sáng khắp nhà, một đứa bé khôi ngô tuấn tú, gương mặt hồng hào ra đời, được đặt tên là Hoàng Tá Thốn.
Thuở nhỏ, Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn người và sớm được đi học. Nhưng Hoàng Tá Thốn chỉ thích võ nghệ nên cha mẹ cũng chiều lòng và ở tuổi thanh niên đã nổi tiếng là người khỏe, võ nghệ cao cường. Đặc biệt, ông có tài bơi lội, lặn lâu dưới nước.
Lớn lên khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược (lần 2 và lần 3). Theo văn bia “Văn miếu tôn thần sự tích”, Vua Trần nghe nói tài năng của Hoàng Tá Thốn bèn triệu Ngài về triều làm nội thư gia. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 kéo dài từ tháng 12 năm Giáp Thân (1284) đến tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Trong các lần giao tranh với quân Nguyên Mông, Hoàng Tá Thốn luôn là vị tướng tiên phong. Những chiến công của Ngài góp phần cùng quân dân cả nước đánh cho quân Nguyên tan tác, Toa Đô bị chém đầu, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy, Ô Mã Nhi phải dùng thuyền nhỏ vượt biển thoát thân.
Tháng 3 năm Bính Tuất, niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1286), quân Nguyên lại xâm phạm bờ cõi nước ta. Do lập được nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Hoàng Tá Thốn tiếp tục được triều đình giao nhiệm vụ quan trọng chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy chiến.
Cuộc chiến lần nay cam go và ác liệt hơn hai lần trước, kéo dài từ năm Bính Tuất (1286) đến năm Mậu Tý (1288). Nhưng chiến thắng vang dội nhất vẫn là trận Bạch Đằng năm Mậu Tý (1288), được ví như Xích Bích trên sông Bạch Đằng, khiến quân Nguyên phải kinh hồn bạt vía, từ bỏ hẳn ý định xâm lược Đại Việt. Việc này, văn bia “Nam miếu tôn thần sự tích” ở Vạn Phần do Tổng tài quốc sử quán Cao Xuân Dục viết, có đoạn: “Đời Trần Nhân Tông, gặp lúc giặc Nguyên là Thoát Hoan, Ô Mã Nhi sang xâm lược kinh thành, ngài vâng chiếu làm tướng chỉ huy, cầm ấn phù, thống lĩnh vạn binh, chỉnh bị tàu thuyền ở sông Bạch Đằng, bắt được thuyền giặc, đại phá trận giặc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dẫn bộ binh giáp chiến”. Trong trận này, quân Nguyên thua to, Thoát Hoan chạy trốn, Ô Mã Nhi bị bắt sống.
Mùa xuân tháng 2 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Trùng Hưng thứ 5 (1289), Nội thư gia Hoàng Tá Thốn được triều đình cử chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy binh đưa bọn Ô Mã Nhi về nước. Theo kế của Hưng Đạo Vương, lấy người giỏi bơi lội sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả”.
Sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, triều đình luận công ban thưởng, Vua Trần Nhân Tông phong cho Ngài là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”, ban tước “Minh Tự” (là tước phong thời Trần, dưới Quân công và trên Thượng phẩm), cho làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ các cửa biển, bảo vệ vùng duyên hải.
Một lần đi tuần thú đường biển ở Thanh Hóa, đến Cửa Trào huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung thì Ngài qua đời. Về ngày mất của Hoàng Tá Thốn, hiện nay có hai nguồn tài liệu khác nhau: Theo gia phả của họ Nguyễn Triệu cơ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Ngài mất ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Mão (1339). Theo văn bia “Nam Miếu tôn thần sự tích”, Ngài mất ngày mồng 1 tháng giêng năm Mậu Dần (1338). Triều đình được tin, truy phong Ngài là Tô Đại Liêu Thiên Bồng nguyên Soái Đại tướng quân, cho thuyền rồng chở lĩnh cữu về quê Vạn Phần, an táng tại xứ Mả Cháy và lập đền thờ ở đó.
Lễ hội đền Đức Hoàng
Dân gian ta có câu: “Thanh cậy đế, Nghệ cậy thần” với “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nhưng cũng là thiếu sót khi không nhắc đến đền Đức Hoàng - một trong những địa danh di sản văn hóa đẹp nhất nhì trong kho tàng di tích - danh thắng Nghệ An. Đền được các vị tiền nhân đặt ở vị trí địa thế thủy lưu khí tụ, có dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và huyền bí. Đền tựa vào khu rừng nguyên sinh, mặt hướng ra đầm sen làng Diệu Ốc còn gọi là đầm Thủy Ô. Trong cuốn Đông Thành phong thổ ký, giám sinh Ngô Trí Hợp xếp đầm sen làng Diệu là một trong “bát cẩm tú” của vùng.
Theo sử sách xưa ghi lại rằng, đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương”. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo (năm 1505 đền được trùng tu khang trang bằng gỗ lim; Năm 1882 dựng thêm Trung điện và năm 1936 dựng thêm Hạ điện) nhưng đền vẫn ngữ nguyên được trạng thái di tích gốc, đảm bảo sự tôn kính, thâm nghiêm.
Ngôi đền có ba tòa, bao gồm thượng điện, trung điện và hạ điện. Quy mô kiến trúc không lớn nhưng sự cổ kính và linh thiêng của ngôi đền là dấu ấn đặc biệt nhất. Bởi vậy nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Ngày 24/01/1998, Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Để tôn vinh nét đẹp truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của di tích, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn” và đáp ứng nguyện vọng đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Hàng năm, từ ngày 28 tháng Giêng đến ngày 2/2 âm lịch, nơi đây lại tưng bừng mở hội đầu xuân, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc của xứ Nghệ.
Năm nay, phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nội dung theo phong tục tập quán địa phương. Phần hội với nhiều hoạt động phong phú như: thi đấu bóng chuyền nam, nữ, đua thuyền; thi đánh cờ người; Hội diễn văn nghệ quần chúng; các trò chơi dân gian và các trò chơi hiện đại…
Thông qua lễ hội nhằm tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thực hành, gìn giữ phát huy di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, yêu quê hương và tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, tạo không khí tưng bừng phấn khởi, cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong năm.
Về Đền Đức Hoàng như được trở về cố hương, sống lại trong hoài cổ. Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả. Những nét đẹp uẩn khuất sau lũy tre làng, vẻ đẹp mang dáng dấp quê hương, xứ sở.
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-an-khai-hoi-den-duc-hoang-lan-thu-22-nam-2024-a27923.html