Mục tiêu tổng quát của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh.
Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản. Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An.
Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một "Di sản sống".
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là cụ thể hóa những nhiệm vụ đặt ra trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án… bằng những dự án thành phần cụ thể, đồng bộ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính cấp thiết, đủ nguồn lực để thực thi hiệu quả; xác định những mối đe dọa, những nguy cơ ảnh hưởng và làm giảm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và chân xác của di sản, từ đó có giải pháp phù hợp để bảo vệ di sản.
Đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt để ngăn ngừa các mối đe dọa tác động đến di sản và phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị phù hợp với đặc thù của di sản; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học làm rõ các giá trị di sản; đảm bảo quy định để bảo vệ các công trình kiến trúc vốn có và cảnh quan sinh thái của di sản.
Đánh giá cụ thể, hiệu quả hệ thống quản lý di sản, trong đó làm rõ những ưu điểm, hạn chế và tồn tại để xây dựng kế hoạch quản lý đảm bảo tính chiến lược và lâu dài, đồng thời xác định các nhu cầu nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong các giai đoạn tiếp theo.
Tăng cường huy động nguồn lực tài chính, nguồn vật liệu truyền thống để phục vụ nghiên cứu trùng tu, bảo tồn, quản lý và phát huy các giá trị di sản; tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về tầm quan trọng và các giá trị của di sản.
Đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035, dự toán kinh phí là 1.670 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An là 1.290 tỷ đồng. Nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An là 180 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ ODA là 200 tỷ đồng.
Danh mục dự án thành phần thực hiện giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035 thuộc các lĩnh vực: quy hoạch, hạ tầng, xây dựng chính sách; quản lý di sản; nghiên cứu khoa học, in ấn, xuất bản; bảo tồn, phát huy di sản; tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, truyền thông.
Hiện nay, Hội An là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới. Hội An có 1.439 di tích, riêng ở khu vực I của Khu phố cổ được xem là "vùng lõi" chỉ có diện tích 30 ha nhưng có đến 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật, thuộc các công trình dân dụng (nhà ở, cầu, giếng, chợ), công trình tín ngưỡng (đình, chùa, lăng, miếu, hội quán, nhà thờ tộc) và công trình đặc thù (mộ). Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - phương Tây, góp phần tăng thêm tính phong phú, đa dạng văn hóa của đô thị cổ Hội An.
Tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, hướng đến xác lập vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, vươn tầm ra khu vực châu Á, là điểm đến hấp dẫn của thế giới. Các chủ trương, chiến lược, quy hoạch phát triển của Trung ương và tỉnh Quảng Nam ban hành mở ra cho Hội An nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xây dựng thành phố trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình phát triển, Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển; chưa đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển; thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, mất cân bằng trong phát triển. Bên cạnh đó, những biến động khó lường về tình hình chính trị quốc tế, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số… đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển TP. Hội An.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp thiết đặt ra, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến.
Theo bvhttdl.gov.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-nam-du-kien-dau-tu-1670-ty-dong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-hoi-an-a27908.html