Huyện Di Linh: Xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra

Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao, huyện Di Linh đã xây dựng các phương án, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Trong đó, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng được lãnh đạo huyện Di Linh thường xuyên chú trọng thực hiện.

images2466899-t7a-bao-ve-rung-di-linh-1709800571-1709863772.jpg
Trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, huyện Di Linh cũng đã chủ động thực hiện từ sớm các giải pháp phòng, chống cháy rừng

Di Linh là địa phương có trên 83 ngàn ha đất có rừng, tỉ lệ che phủ rừng 51,6%. Rừng trên địa bàn huyện Di Linh có địa hình chia cắt phức tạp. Tài nguyên rừng chủ yếu là rừng trồng, rừng thông tự nhiên thuần loại hoặc hỗn giao, có thảm thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau sậy, bông đót… Diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nằm trong 47 tiểu khu, với diện tích rừng và đất rừng là 13.795 ha và được phân bố ở các xã Tam Bố, Gia Hiệp, Bảo Thuận, Gia Bắc, Sơn Điền, Gung Ré, Liên Đầm, Hòa Bắc, Hòa Nam và Đinh Trang Thượng. Các xã này đều nằm cách xa trung tâm huyện nên rất khó khăn cho địa phương trong công tác tổ chức và điều hành chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.  

Đồng thời, Di Linh là địa bàn có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lớn nhất tỉnh với trên 66.000 người (chiếm 41,5% dân số). Tập quán sản xuất nông nghiệp của bà con còn đốt dọn nương rẫy vào mùa khô hanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều nguy cơ cháy rừng.

Bên cạnh đó, để sớm chủ động làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng, ngay vào đầu mùa khô, Hạt Kiểm Lâm huyện Di Linh đã phối hợp với các đơn vị liên quan và 14 xã có rừng trên địa bàn huyện tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cũng như phổ biến các chỉ thị, văn bản liên quan đến công tác này. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp lồng ghép từ tổ đến xóm, thôn, thậm chí có một số nơi phải vào trong nương rẫy để phổ biến việc sử dụng nguồn lửa trong cuộc sống sinh hoạt đảm bảo an toàn cho công tác PCCCR.

Tại các địa phương trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng vào các năm trước như: xã Tam Bố, Gia Hiệp, Bảo Thuận, Gia Bắc, Sơn Điền, Gung Ré, Hòa Bắc, Hòa Nam, Tân Thượng và Đinh Trang Thượng; các đơn vị trên còn tiến hành tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức người dân về công tác PCCCR. Tại các khu dân cư sinh sống, có vườn rẫy gần rừng đã được yêu cầu ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR, thực hiện nông - lâm kết hợp đảm bảo an toàn trong sản xuất nương rẫy gần rừng, ven rừng. Các đơn vị liên quan cũng đã hướng dẫn người dân và khách du lịch sử dụng lửa đúng quy định trong các khu du lịch dã ngoại…

Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh cho thấy, lực lượng PCCCR của Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Tân Thượng, Ban QLRPH Hoà Bắc - Hoà Nam, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Di Linh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp, của các doanh nghiệp và tổ đội hợp đồng chuyên trách hiện là 450 người. Phương tiện, thiết bị, công cụ PCCCR hiện có cơ bản đảm bảo cho công tác phòng cháy. Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng đã khảo sát kỹ lưỡng và xác định các trọng điểm cháy rừng có thể xảy ra. Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh và các đơn vị liên quan đã xác định 4 trọng điểm cháy rừng cần lưu ý tại lâm phần của các đơn vị: Công ty TNHH Lâm nghiệp Di Linh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp, Ban QLRPH Tân Thượng và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Thuận: trên địa bàn Công ty có 300 hộ canh tác ven rừng và một số hộ có chăn thả gia súc trong rừng nên dễ gây cháy rừng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 12 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích hơn 2.229 ha. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng rừng kinh tế, trồng cây cao su trên diện tích 1.246 ha. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp quan tâm chưa tốt đến công tác PCCCR nên nguy cơ cháy rừng cao. 

Hơn nữa, căn cứ đặc điểm, tình hình tại các điểm có nguy cơ cháy cao trên, huyện Di Linh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các tình huống cháy phức tạp nhất và đưa ra các phương án ứng phó hiệu quả khi xảy ra cháy. Trong đó chú trọng việc huy động lực lượng tại chỗ, lực lượng hợp đồng giao khoán, lực lượng chuyên trách; sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng chuyên dùng và thô sơ tiến hành ngăn chặn dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh theo phương châm 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”.

Hoài Trinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-di-linh-xay-dung-cac-phuong-an-san-sang-ung-pho-voi-cac-tinh-huong-co-the-xay-ra-a27902.html