Đến dự Lễ trao tặng có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương; đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; các thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" lần thứ 10 và các nghệ sĩ, đại diện gia đình các nghệ sĩ và đại diện gia đình các cố nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu trong dịp này.
Phát biểu tổng kết công tác xét tặng danh hiệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 bày tỏ vinh dự được đón đồng chí Chủ tịch nước cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành tới dự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước - một trong 3 mặt trận lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hết sức quan tâm.
Bộ trưởng cho biết, gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh. Trên lĩnh vực Văn hóa, từ khẳng định của Bác Hồ kính yêu: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", và ánh sáng cùng những giá trị vượt thời gian của "Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943", đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tới Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phát triển văn hóa là nguồn lực, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Nhân dân là chủ thể sáng tạo văn hoá, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhằm tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kể từ đợt 1 được tổ chức năm 1984, cách đây tròn 40 năm, trải qua 9 lần tổ chức, đã có 452 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2.621 nghệ sĩ được trao tặng Nghệ sĩ Ưu tú, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hoá, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với ý nghĩa quan trọng đó, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10, được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Bộ trưởng khẳng định, nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua Bộ VHTTDL luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân trong quá trình xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Theo đó, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ/Tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình.
Theo Bộ trưởng, so với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 có nhiều điểm mới, Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ: (1) Quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu; (2) Quy định cụ thể hơn về cách tính quy đổi giải thưởng; (3) Bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng: Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; (4) Quy định về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân hướng tới những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do; (5) Quy định về tỷ lệ phiếu bầu…
Ở lần xét tặng này, Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Căn cứ quy định của pháp luật, Hội đồng đã họp, bỏ phiếu; theo đó có 136 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và 347 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Ưu tú" đủ điều kiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" lần thứ 10.
Trong quá trình tổ chức họp Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ VHTTDL không nhận được đơn thư, khiếu nại nào về quy trình, thủ tục xét tặng, chỉ có một số đơn thư kiến nghị liên quan đến hồ sơ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xem xét đơn thư theo đúng quy định: kiểm tra hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu; yêu cầu Hội đồng cấp bộ/tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị theo đúng quy định hiện hành.
"Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Theo đó có 125 Nghệ sĩ Ưu tú được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 264 Nghệ sĩ được tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Theo bvhttdl.gov.vn