TPHCM không xin ngân sách Trung ương mà xin cơ chế tài chính để thực hiện hệ thống đường sắt đô thị

Sáng 16/2, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

16-02-2024-tphcm-khong-xin-ngan-sach-trung-uong-ma-xin-co-che-tai-chinh-de-thuc-hien-he-thong-duong-sat-do-thi-678e45e1-details-1708091739.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận cuộc họp

Huy động liên minh đa ngành trong thực hiện phát triển hệ thống đường sắt đô thị

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến, Ban đã điều chỉnh nội dung tập trung vào 14 cơ chế nhằm giúp Thủ đô Hà Nội và TPHCM thuận lợi hơn trong việc triển khai tuyến đường sắt đô thị như: Cho phép TPHCM được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với vùng phụ cận các nhà ga nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo những chuẩn mực của các TP đã thành công trên thế giới, đạt được các mục tiêu về phát triển đô thị xác định tại các Nghị quyết của Trung ương và của TP theo trình tự, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng do TP quyết định; Cho phép TPHCM thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình phát triển giao thông công cộng (TOD) ngay sau khi Chủ trương đầu tư dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị được Quốc hội quyết định; Được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển hệ thống đường sắt đô thị; Được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn hợp pháp khác không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công áp dụng cho TP theo từng năm và trong cả giai đoạn đến năm 2035 để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại mỗi TP; Được sử dụng ngân sách TP để đặt hàng các cơ sở giáo dục chất lượng cao trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt đô thị theo nhu cầu; Cho phép ban hành mức thu nhập, chế độ đãi ngộ hấp dẫn đối với các nhân sự làm việc cho Tập đoàn đường sắt đô thị - TOD để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đường sắt đô thị từ nguồn ngân sách TP…

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng tư vấn và tổ chuyên gia đã góp ý về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) kết hợp mô hình phát triển đô thị theo mô hình TOD trên địa bàn.

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nhiệm vụ làm 220 km đường sắt đến năm 2035 theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị đối với TPHCM là rất khó khăn, khi trên thực tế tuyến Metro số 1 mất tới 20 năm. Bởi vậy, muốn làm được thì cần có tư duy khác, cách làm khác. Đối với đề án này, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất cần có tổ hợp đa ngành bởi có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm với của Ban Quản lý đường sắt đô thị như quy hoạch, tài chính, quản lý. Đồng thời, thống nhất với đề xuất thành lập tập đoàn đường sắt đô thị và tập đoàn TOD. Tập đoàn này khi thành lập sẽ như một công ty cổ phần, trong đó thành viên sẽ là các sở, ban, ngành tham gia đề án, còn UBND TPHCM là “nhạc trưởng”, là cơ quan có cổ phần cao nhất trong Tập đoàn, điều phối nhịp nhàng các sở, ngành. Cần tiếp cận với tư duy đa ngành chứ không đơn ngành. Các sở, ngành liên quan đều tham gia vào việc lập đề án và thực hiện.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Minh Khương, thành viên Hội đồng Tư vấn và Tổ tư vấn đường sắt sắt đô thị, cho rằng cần có liên minh hành động gồm các lực lượng tinh nhuệ về đường sắt đô thị của cả nước và đại diện các bộ ngành, TPHCM, Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế để cùng làm hệ thống metro.

Còn theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, sau 6 tháng, Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, đã giúp UBND TP trình HĐND TP thông qua 24 nghị quyết quan trọng, cụ thể hóa 19/27 cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 còn rất nhiều. Do đó, đồng chí Trần Hoàng Ngân kỳ vọng Hội đồng tư vấn sẽ tiếp tục tập trung trong năm 2024 để sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại. Trong đề án phải xin phân cấp, phân quyền triệt để cho TPHCM thực hiện, quyết định tất cả các khâu từ quy hoạch, phê duyệt dự án, thu hồi đất đấu giá.

Góp ý cho TPHCM về hoạt động của Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nhiệm vụ trong năm 2024 của TP còn thiếu các chương trình đào tạo nhân lực. Việc đào tạo nhân lực của TPHCM cần gắn với hệ sinh thái và đặc thù phát triển TP, chuyển đổi cấu trúc phát triển sang các ngành công nghệ cao.

TS Trần Du Lịch cho rằng các ý kiến chuyên gia tư vấn phong phú, trong đó hầu hết các ý kiến ủng hộ xây dựng đề án tổng thể và sau đó các cấp thẩm quyền phê duyệt, phân cấp cho chính quyền TP phê duyệt từng đề án cụ thể. Thống nhất có một số cơ chế đặc thù, mô hình, cách tổ chức triển khai để triển khai trong thời gian ngắn. Các ý kiến cũng thể hiện thống nhất 14 kiến nghị; về tài chính cần làm rõ hơn, dự kiến nguồn ngân sách, huy động từ TOD, các nguồn khác cần làm rõ chi tiết; trong đó khẳng định làm rõ không xin ngân sách Trung ương, mà xin cơ chế TOD, cơ chế phát hành trái phiếu;… ; Về mô hình quản lý, vận hành, huy động  nguồn tài chính, nếu gom lại thì cần xem xét lại; Đề xuất sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về đường sắt đô thị, để làm cơ sở thống nhất để thực hiện.

16-02-2024nq-69-1708091779.jpg
TS Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp

Tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, không chỉ liên quan đến đường sắt đô thị mà đối với các vấn đề khác, UBND TP đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm. Đó là lý do vì sao TPHCM thành lập nhiều ban chỉ đạo, tổ công tác, bởi một sở, ngành được giao không giải quyết được vấn đề. Cụ thể, khi xây dựng hệ thống metro, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết tư duy đa ngành được TP tiếp cận ngay từ đầu, trong đó Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP. UBND TP sẽ rà soát, có phân công cụ thể để làm rõ việc liên ngành, trách nhiệm và các mốc thời gian, kiểm soát đồng bộ, để tăng hiệu quả.

Đối với đề xuất thành lập Tập đoàn metro và TOD, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này, có thể xem xét thêm đề xuất các bên liên quan cần tham gia từ đầu để có sự đồng thuận.

Liên quan đến tài chính thực hiện đề án, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM không xin ngân sách Trung ương, mà xin cơ chế tài chính để TP thực hiện. Việc làm thực hiện thí điểm, dự kiến thí điểm 1-3 năm, khi xong chuẩn bị dự án, bắt tay làm tiếp các gói còn lại, vẫn giữ mốc thời gian năm 2035 theo kết luận 49 để thực hiện dự án. TP có ý thức làm hệ thống đường sắt đô thị quốc gia, theo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, TP xin cơ chế để hình thành tiêu chuẩn quốc gia.

Về thời gian triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị trong quý I/2024 sẽ thông qua đề án trình Bộ Chính trị và Quốc hội, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp giữa năm nay.

Theo hcmcpv.org.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tphcm-khong-xin-ngan-sach-trung-uong-ma-xin-co-che-tai-chinh-de-thuc-hien-he-thong-duong-sat-do-thi-a27719.html