Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của đông đảo các tầng lớp nhân dân
Trong tham luận gửi đến Hội nghị tổng kết Bộ VHTTDL năm 2023, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, thông qua việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII "Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Nghị quyết TW9 (khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay, thiết chế văn hóa càng có vai trò quan trọng trong việc động viên tinh thần nhân dân cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Một thiết chế văn hóa cơ sở mạnh, sẽ giúp tạo ra một môi trường sống tích cực, tạo cơ hội cho việc thư giãn, giải trí và phục hồi sức khỏe tinh thần thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao... Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trong thời gian qua được đầu tư xây dựng; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tạo những điều kiện thuận lợi, để người dân đến sinh hoạt văn hóa, thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực. Hệ thống thiết chế văn hóa được các cấp quan tâm quản lý, vận hành, cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động.
Tính đến nay, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 689/705 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá-Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%).
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động phù hợp với từng đối tượng. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống được phát huy; các câu lạc bộ, nhóm sở thích được thành lập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố đã đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, tổ chức chương trình nghệ thuật, tuyên truyền lưu động thu hút đông đảo khán giả đến xem, bằng hình thức kết hợp chiếu phim, dựng chương trình tạp kỹ kết hợp xiếc, ảo thuật như: Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh, Cà Mau, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế…Tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, trưng bày triển lãm, tỉnh Đồng Nai, Nghệ An... Chương trình giao lưu văn hóa liên kết các tỉnh định kỳ hàng năm nhằm giới thiệu nét sinh văn hóa, dân ca dân vũ của địa phương đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh: Trung tâm Văn hóa tỉnh An Giang, Kon Tum, Bến tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi.
Xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, nhân rộng, duy trì các mô hình câu lạc bộ, các lớp năng khiếu, loại hình văn hóa, nghệ thuật tuyền thống, các bộ môn thể thao tiêu biểu được duy trì thường xuyên, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, các nhóm đối tượng, lứa tuổi, bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào. Đây là phương thức đầu tư chiều sâu, tạo nguồn lực chuyên môn tại chỗ, kế thừa hoạt động liên tục tại hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao các cấp.
Công tác tuyên truyền, cổ động các Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, biển đảo…Với trọng tâm đưa thông tin về cơ sở và tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua Đội Tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố nói chung, của Trung tâm Văn hóa các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc nói riêng...không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật phù hợp, để phục vụ nhân dân.
Xác định "không gian mạng" là một công cụ, phương thức tuyên truyền hiệu quả, quan trọng, phù hợp với xu thế của thời đại, các chương trình nghệ thuật, tuyên truyền lưu động ngoài việc biểu diễn trực tiếp phục vụ nhân dân tại chỗ đã được Trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố quảng bá bằng hình thức livestream, thu phát trên website, Facebook, YouTube…tạo hiệu ứng, lan tỏa thu hút được lượng lớn người xem, truy cập.
"Chính nhờ những nỗ lực đổi mới hình thức, phương thức tổ chức hoạt động hệ thống Trung tâm Văn hóa cơ sở đã thu hút được nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh" – bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng vẫn còn một số hạn chế, nguyên nhân ảnh hưởng đến nội dung hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao các cấp như: Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh ở nhiều địa phương thiếu những công trình lớn, xứng tầm để tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ các ngày lễ kỷ niệm có quy mô lớn đẳng cấp ở tầm quốc gia và quốc tế; có những công trình được đầu tư xây dựng từ giai đoạn trước, quy mô xây dựng nhỏ, lỗi thời; cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, trang thiết bị không đồng bộ hoặc hư hỏng, hết khấu hao; không có thiết bị chuyên dùng; không có các phòng chức năng để tập luyện, biểu diễn và tổ chức các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Nhiều Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp huyện, xã cơ sở được đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh hoặc đã quá lâu, không đúng quy định về quy mô và kiến trúc hoặc xuống cấp trầm trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, trang thiết bị và phương tiện chuyên dùng (âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, xe ô tô tuyên truyền lưu động) để tổ chức hoạt động văn hóa còn thiếu và không đồng bộ, đều trong tình trạng hỏng hóc hoặc hết khấu hao.
Một số thiết chế văn hóa, thể thao mới được đầu tư xây dựng nhưng đã bộc lộ những bất cập (thiếu các hạng mục theo quy định, trang thiết bị chưa đồng bộ, quy mô, kiểu dáng, địa điểm xây dựng chưa phù hợp...).
"Có nơi Nhà Văn hóa- khu thể thao thôn xây dựng ở xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động để thu hút đông đảo người dân tham gia, thiếu trang thiết bị, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là khu vực thuộc các tỉnh miền núi" – bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.
Cùng với đó, công tác hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm. Kinh phí cho xây dựng, đầu tư trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hạn chế. Nguồn kinh phí cho tổ chức các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đang đặt ra.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Nhân sự tại các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là tại các phường, xã, thị trấn chủ yếu là do công chức, viên chức, thành viên các đoàn thể phụ trách, đa số là kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, chỉ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và bồi dưỡng chuyên môn theo hệ thống ngành văn hóa, thể thao, thiếu cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu và kinh nghiệm công tác lâu năm.
Ngoài ra, mức chi hỗ trợ và phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, nhân viên phụ trách nhiều địa phương chưa có quy định cụ thể, rất khó trong việc thu hút người có trình độ, chuyên môn cao. Nên việc tham mưu tổ chức các hoạt động của cơ sở và hướng dẫn cho cấp dưới còn hạn chế.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước giai đoạn tới, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Một là, xây dựng và ban hành các chế độ chính sách, về đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Trong đó cần tập trung vào các nhóm chính sách về quy hoạch và sử dụng đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao; Chính sách về xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư bằng các nguồn lực hợp pháp để xây dựng và tổ chức hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Hai là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng; thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ; cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp hiện có.
Ba là, tuyển chọn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chức danh cho đội ngũ cán bộ văn hoá, thể thao cơ sở. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ trung ương đến cơ sở.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao gắn với mở rộng dịch vụ. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể, nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đặc biệt là các nhà văn hóa - khu thể thao ở thôn, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Năm là, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, tập trung đổi mới các nội dung, chương trình gắn với thực tiễn đời sống tinh thần và nhu cầu người dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng các chương trình tổ chức các hoạt động văn hóa phong phú phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi; đặc biệt là thu hút những người có tài năng nghệ thuật làm cộng tác viên trong các hoạt động của thiết chế văn hoá, thể thao. Nâng cao năng lực sáng tạo các sản phẩm văn hóa, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng, miền có chất lượng./.
Theo bvhttdl.gov.vn