Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhàn đề nghị Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh trong năm 2024 cần tập trung phát triển các thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt tận dụng lợi thế công nghệ số trong thực hiện nghiệp vụ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; thực hiện phân tích, đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh (PCI).
Đồng thời Trung tâm cần đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá, giới thiệu tiềm lực, lợi thế của tỉnh mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển các dự án trọng điểm để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Củng cố mối quan hệ và khai thác tốt các thị trường hiện có, chú trọng tìm kiếm khách hàng và thị trường mới nhằm xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực mà tỉnh có thế mạnh như nông sản, thủy sản,…
Liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp với các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài để mời gọi đầu tư phát triển du lịch và du khách theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xây dựng thương hiệu du lịch, xúc tiến thương mại theo hướng chuyên nghiệp hóa và liên kết vùng, mở rộng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước phát triển các tuyến du lịch đường bộ, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu. Thiết lập quan hệ với cộng đồng kiều bào ở nước ngoài để tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, trong đó tập trung các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng; công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ; đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, du lịch; xử lý rác thải, nước thải; năng lượng tái tạo… đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, cho biết, năm 2023, Trung tâm đã tổ chức đối thoại các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; xúc tiến Thương mại - Du lịch - Đầu tư với các đối tác quốc tế; trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các Hội nghị Kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến trưng bày, giới thiệu sản phẩm Ocop, công nghiệp NTTB, sản phẩm đặc trưng trong tỉnh đều gắn với các sự kiện văn hóa tại các Lễ hội Phan Thị Ràng (Hòn Đất), Mai Thị Nương (Giồng Riềng), Ok Om Bok (Gò Quao), Nghinh ông (Kiên Hải),…; các hệ thống phân phối, siêu thị (MM Mega Market Rạch Giá, Co.op Rạch Giá, Co.op Rạch Sỏi, Cửa hàng đặc sản Đất Sen Hồng); kết nối giao thương giữa 150 doanh nghiệp Ấn Độ với 40 doanh nghiệp Kiên Giang, Tổng lãnh sự quán các nước nhằm thúc đẩy phát triển, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
Từ đó Trung tâm đã kết nối thương thảo hợp đồng và kết nối tiêu thụ cho 497 doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết 62 bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực thương mại, du lịch. Có 01 đơn vị mở đại lý phân phối tại Campuchia, 05 đơn vị ký hợp đồng đưa hàng vào hệ thống siêu thị Co.op mart, 02 đơn vị mở đại lý phân phối tại thành phố Hà Nội và 02 đơn vị mở đại lý phân phối trong tỉnh.
Trương Anh Sáng