Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2023. Với số vốn giao trong năm 2023 rất lớn là hơn 68.000 tỷ đồng, khoảng 1/10 tổng vốn đầu tư công của cả nước. Đến ngày 12/01/2024, toàn TP đã giải ngân 45.866 tỷ, đạt 67%. Tuy tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng đây là kết quả đáng ghi nhận, cao hơn 1,7 lần kết quả đạt được trong năm 2022.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để đạt được kết quả này, có những đơn vị đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là khối các quận, huyện, TP Thủ Đức với 21 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 90%, trong đó 16 đơn vị giải ngân trên 95%. Khối các sở, ngành cũng có 20 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95%, 12 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 80 - 95%. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân còn thấp, vẫn còn có nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị cùng nghiêm túc đánh giá đầy đủ các vướng mắc khó khăn, các tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP. Trong đó, về thủ tục đầu tư: cần điều chỉnh, thay đổi gì để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư. Thực tế trong năm 2022, 2023, có nhiều dự án được giao nhiệm vụ chuẩn bị chủ trương đầu tư tại Quyết định 3236/QĐ-UBND ngày 26/9/2022 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án đầu tư; vướng mắc trong bố trí vốn trung hạn, trong việc lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư, đặc biệt là tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, có tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của TP.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các đơn vị cần nêu rõ tính đồng bộ, chặt chẽ và toàn diện trong triển khai dự án. Vừa qua, trong rà soát vẫn còn nhiều dự án dự kiến sẽ triển khai thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) trong năm, tuy nhiên lại không đưa vào danh mục dự án có thu hồi đất để trình HĐND TP thông qua; vướng mắc về quy hoạch, thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để lập dự án đầu tư công. Kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND TP về giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham mưu việc ủy quyền cho UBND quận, huyện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để phục vụ dự án đầu tư công trên địa bàn TP.
Đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án BTGPMB, sau khi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được ủy quyền phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất từ 01/9/2023; khó khăn trong xác định giá đất bồi thường tiệm cận giá thị trường để đạt được sự đồng thuận cao của người dân, đặc biệt là giá đất nông nghiệp xen cài; vướng mắc trong thực hiện công tác BTGPMB, tái định cư; vướng mắc trong công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật; giải pháp khắc phục việc tính toán chi phí BTGPMB để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đầu tư không chính xác, còn sai lệch lớn so với kết quả thực hiện; việc chuẩn bị quỹ nhà – đất tái định cư. Qua rà soát, một số địa phương tuy có sẵn quỹ đất công nhưng lại chưa chủ động được nguồn nhà – đất tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ BTGPMB; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ đầu tư công…
“Hội nghị hôm nay cần nhìn thẳng vào sự thật, tập trung phân tích thấu đáo, khách quan, tạo sự thống nhất cao về đánh giá, phân tích nguyên nhân và rút ra một số bài học kinh nghiệm, để từ đó đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, góp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh cần tận dụng tối đa nguồn ngân sách TP để thực hiện các dự án đầu tư công phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP” – Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Theo hcmcpv.org.vn