Lễ mừng thọ - nét đẹp trong văn hóa của người Tày ở Cao Bằng

Lễ mừng thọ cho người cao tuổi là dịp để con cháu thể hiện sự tôn kính với các bậc cao niên được thực hiện với nghi thức tôn nghiêm, trang trọng, mang bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của từng dân tộc trên mảnh đất hình chữ S.


Lễ mừng thọ của người Tày ở Cao Bằng. Ảnh: Internet

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày miền Đông Cao Bằng quan niệm trong vũ trụ luôn tồn tại cõi âm và cõi dương. Cõi dương hiện hữu, cõi âm vô hình nhưng lại có tác động đến đời sống tâm linh của con người. Bản thân con người luôn tồn tại  phần xác và phần hồn, vía mà người Tày gọi là “khoăn”. Đàn ông có 7 khoăn, đàn bà có 9 khoăn, người có 30 vía đằng trước, 50 vía đằng sau, 12 vía giữ thân. Theo tâm thức, sở dĩ con người sống được là do khoăn hội tụ đủ trong người, khi bịch gạo hồn ở trên trời còn đầy, cây mệnh xanh tươi, cầu mệnh vững chắc. Theo vòng quay can tri, cứ 12 năm quay trở lại năm tuổi. Thông thường đến tuổi 49 con người bắt đầu có biểu hiện của tuổi già như hay đau ốm, mắt mờ, hay gặp vận hạn... Tức là lúc đó bịch gạo hồn đã vơi, cây đã bị úa, cầu mệnh đã bị mục. Nên người ta tổ chức lễ mừng thọ mà người Tày gọi là “Pú lường” tức bù lương cho bịch gạo hồn được đầy trở lại, trồng cây mệnh xanh tươi, bắc lại cầu mệnh vững chắc. Người ta làm lễ để trình lên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu gia hạn thêm cho người được làm thọ sống lâu, sống vui.

Lễ mừng thọ của người Tày nơi đây thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân. Buổi lễ được tổ chức bắt đầu từ 0 giờ, nhưng ngay từ chiều tối, nhà đã tấp nập từ trẻ già lớn bé. Con cháu, họ hàng mỗi người mang theo một con lợn quay, một gánh có đầy đủ gạo, thịt, rượu... Những tấm chướng bằng vải màu của con cháu mang đến mừng thọ được treo trang trọng quanh nhà. Ở mỗi tuổi làm thọ, tấm chướng được chọn màu và viết nội dung cho phù hợp: 49 tuổi ghi chữ phúc, nếu thọ 61 ghi chữ thọ, 73 ghi chữ khang, và tuổi 85 ghi chữ ninh. Người nào đạt đến tuổi này là đã hội đủ 4 chữ phúc, thọ, khang, ninh trong người.

Đúng 0 giờ, thầy Tào bắt đầu hành lễ. Trước tiên, thầy Tào trình báo lên tổ tiên, các vị thần về lý do buổi lễ, cúng các cỗ vật lên tổ tiên. Sau đó một người trong gia đình đi lên rót rượu, thắp hương vái lạy. Hành động này kết thúc việc trình báo, đã mời được tổ tiên về chứng giám cho buổi lễ.

Tiến trình hành lễ bắt đầu từ giải hạn. Thầy Tào, Pựt, đọc những lời ca, bài hát. Sau mỗi khúc hát của Tào, Pựt, một người lại đi lên rót rượu và thắp hương. Những lời ca đều mang nghĩa tập hợp binh mã, chép lễ và hành trình dâng lên trời. Trong chuyến đi này, đoàn quân phải trải qua  nhiều chặng từ khi chuyển lương xuống thuyền, qua chặng nào cũng dâng vàng mã, xin các thần cho qua. Khi đã đến được chốn vua Ghi - vị vua trông coi hoạn nạn trên trời, đoàn xin vua giải hạn cho gia chủ mọi bề bình yên. Trong quá trình cống vật, đoàn phải trải qua 12 cửa lầu môn trình cả mẹ Sử thả vía cho người được làm thọ, đổi số cho đương sự được an khang, trường thọ, tống tà quỷ ra khỏi nhà.

Giải hạn xong, thầy bắt đầu “Gọi hồn” của cả gia đình. Túi áo hồn của gia đình được đặt sát mâm của thầy Tào, Pựt theo thứ tự từ cha, mẹ, con, cháu. Pựt sẽ gọi hồn vía (tức khoăn) đã siêu tán đi nơi khác trở về nhập vào thân xác. Sau khi gọi hồn cả gia đình, Pựt gọi “khoăn” của người được làm thọ. Động tác gọi “khoăn” làm 3 lần, đồng thời sóc tấm thẻ. Nếu 2 thẻ cùng ngửa thì thu được hồn về, nếu một sấp một ngửa thì hồn vẫn thất tán, phải làm lại đến khi hai thẻ cùng ngửa mới thu được khoăn về.

Sau phần hát gọi hồn, thầy Tào tiếp tục chỉ đạo chuyển lương. Con cháu họ hàng ngồi xếp hàng đối diện, từ thúng gạo của con cháu trải một tấm vải trắng trên lớp vải đen dẫn đến lầu bổ lương tượng trưng cho chiếc cầu nối từ hạ giới lên thiên đình. Trên mặt vải đặt những chiếc đũa xếp hình chữ chi cùng vàng mã tượng trưng là thanh cầu và tiền hành lộ. Thầy xúc từng bát gạo ra bát đem theo vàng mã và ít tiền lẻ rồi làm niệm chú và được cho con cháu truyền tay nhau đổ vào lầu bổ lương. Khi bịch gạo hồn đã đầy, số gạo dư trong thúng lẫn những đồng tiền sẽ được thầy Tào, Pựt ban lại cho con cháu coi như lộc của ông bà, cha mẹ.

Còn chiếc lầu bổ lương được 1 người con trong gia đình đưa lên buộc vào cây thượng lương ở trên gác. Còn ở dưới, Tào, Pựt cũng hát những khúc hát chúc tụng tốt đẹp cầu mong cho đương sự mọi điều an hòa, trường thọ, con cháu vui vầy. Sau khi mọi nghi thức trong nhà đã xong xuôi, 2 người được thầy chọn đem hai cây tre, cây chuối tượng trưng cho hai cây mệnh đưa ra ngoài vườn, chọn nơi đất tốt, trồng và rào chắn cẩn thận để cây mọc lên xanh tươi. Tại đây, người ta cũng rót rượu, thắp hương để báo cáo việc mình làm.

Việc mừng thọ không chỉ biểu lộ về lòng kính trọng, biết ơn đối với ông, bà, cha, mẹ, mà còn là lúc để con cháu nhìn lại bản thân xem mình đã làm gì để cha mẹ ông bà tự hào, lấy đó làm niềm vui sống lâu, sống khỏe với con cháu.

Mừng thọ cho người cao tuổi đối với người Tày nói riêng và các dân tộc nói chung là một truyền thống có từ lâu đời, nó không chỉ thể hiện nền nếp, gia phong của một gia đình mà còn mang ý nghĩa về văn hóa dân tộc đó.

Theo Dân Tộc Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-mung-tho-net-dep-trong-van-hoa-cua-nguoi-tay-o-cao-bang-a2745.html